0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hỗ trợ xây dựng quy chuẩn nông nghiệp

07/08/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Hỗ trợ xây dựng quy chuẩn nông nghiệp
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng với những hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Để việc này đi vào cuộc sống hiệu quả, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp cận thông tin...
Đến nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng, công bố, ban hành 804 tiêu chuẩn và 209 quy chuẩn. Riêng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 583 tiêu chuẩn và 204 quy chuẩn để làm căn cứ thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm quản lý chất lượng nông sản

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Giang Thu, việc tổ chức triển khai hiện không hoàn thành so với tiến độ Bộ NN&PTNT giao. Nguyên nhân là cơ chế tài chính cho việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp, chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức khoa học công nghệ và tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hơn nữa, thủ tục nghiệm thu còn khá phức tạp, rườm rà, khó áp dụng vào thực tiễn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Lê Bá Anh đánh giá, hiện nay chưa có quy định rõ ràng giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn cho các địa phương khi đánh giá, kiểm tra chất lượng. Việc nhập khẩu của các doanh nghiệp về một số loại chất cấm chưa chặt chẽ, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hám lợi nên vẫn trà trộn, khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam khi kiểm tra phát hiện chất cấm vượt ngưỡng cho phép. 

Về vấn đề này, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, công tác xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật còn khó khăn, vướng mắc do chồng chéo giữa những văn bản quy phạm pháp luật và các quan điểm khác nhau trong việc xây dựng quy chuẩn Việt Nam, dẫn tới nghiệm thu và thẩm tra xong không được ban hành...

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ NN&PTNT định hướng từ năm 2018 đến 2020 sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng nhóm sản phẩm, dịch vụ bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có, bổ sung xây dựng theo yêu cầu thực tiễn để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Ông Trần Văn Công cho biết, Bộ NN&PTNT tiến hành xây dựng, rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn cho mỗi giai đoạn 5 năm, mỗi năm ưu tiên bố trí xây dựng theo kế hoạch đã duyệt để bảo đảm tiến độ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam theo từng giai đoạn. Bộ Khoa học và Công nghệ cho công bố rộng rãi, miễn phí các tiêu chuẩn Việt Nam để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng vào quá trình sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu, không tốn kém kinh phí.

Ông Vũ Đình Tôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại các tiêu chuẩn cũ và xây dựng bổ sung lại cho phù hợp với điều kiện hiện nay để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần trang bị thêm máy móc và các thiết bị trong phân tích những chỉ tiêu vi lượng trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, để sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các bộ, ngành cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho từng ngành hàng cụ thể, phù hợp với trình độ sản xuất và khoa học kỹ thuật trong nước. 

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua hỗ trợ về tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, qua đó sản xuất những mặt hàng đáp ứng yêu cầu quốc tế
Ngọc Quỳnh