0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hiệu quả từ việc thay đổi mô hình quản lý an toàn thực phẩm

22/06/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Hiệu quả từ việc thay đổi mô hình quản lý an toàn thực phẩm
Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nhằm giảm vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và bệnh truyền qua thực phẩm, mô hình quản an toàn thực phẩm được thay đổi cho phù hợp hơn với thực trạng

Thời gian qua, ngộ độc thực phẩm diễn ra khá phổ biến và phức tạp, xuất hiện nhiều vụ nghiêm trọng và hiện diện tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc kiểm soát ATTP vẫn còn nhiều bất cập. Việc vận chuyển gia súc, gia cầm còn phức tạp, chủ yếu được thực hiện bằng phương tiện thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt vẫn tiếp diễn và biến tướng dưới nhiều hình thức.

Các tỉnh, thành đã bước đầu chủ động kiểm soát chất lượng thực phẩm từ nguồn cung cấp, nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm giúp người tiêu dùng an tâm hơn. Những giải pháp này đã từng bước mang lại hiệu quả trong công tác quản lý ATTP. Như lời giải trình tại Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 của Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Nguyễn Xuân Cường, thừa nhận: “Những tồn tại trong lĩnh vực này nhiều hơn kết quả chúng ta đạt được”.

Vấn đề đặt ra là, cơ quan chức năng nào quản lý nhà nước về ATTP? Cơ quan nào trả lời những kiến nghị của người dân khi xảy ra các vụ việc ngộ độc thực phẩm? Câu trả lời vẫn được hiểu là còn rất chung chung. Bởi mô hình quản lý ATTP hiện nay do nhiều cơ quan cùng thực hiện theo phân cấp tiêu chí của sản xuất, kinh doanh, lưu thông, bảo quản và cuối cùng là đến người tiêu dùng. Điển hình như vụ ngộ độc rượu methanol diễn ra thời gian vừa qua làm 78 người gặp nạn, 10 người chết, là một ví dụ khi xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Không thể quy trách nhiệm quản lý rượu methanol cho ngành nông nghiệp, nông thôn, càng không thể quy trách nhiệm là do công thương, y tế hay chính quyền địa phương được.

Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, địa phương này đã xây dựng hệ thống phân phối cung ứng thực phẩm thuộc “Chuỗi thực phẩm an toàn” với mục đích tạo điều kiện cho hàng hóa thuộc chuỗi tiếp cận với người tiêu dùng TP. Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và lưu thông hàng hóa trên thị trường.

ATTP là lĩnh vực liên quan mật thiết đến sức khỏe, sinh mạng, tuổi thọ và giống nòi. Do đó, những tồn tại, yếu kém trong bảo đảm ATTP, trong đó có việc quản lý nhà nước, cần phải được khắc phục kịp thời, không nên kéo dài thêm nữa. Đây cũng chính là yêu cầu cấp thiết của người dân trong việc Nhà nước cần thay đổi mô hình quản lý, quy định và xác định một cơ quan chuyên trách về ATTP đủ mạnh, đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực để thực thi nhiệm vụ quan trọng này.

Việc triển khai các giải pháp ATTP của các tỉnh, thành phía Nam đã góp phần nâng cao công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Riêng đối với việc thông qua việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng, nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân TP. Các giải pháp này đã bước đầu mang lại hiệu quả, tuy nhiên, để người dân thật sự yên tâm về chất lượng thực phẩm cần phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn, đổi mới cách quản lý trong lĩnh vực ATTP

Giang San