0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hiệu quả từ dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất hoa lan

31/07/2017    4/5 trong 8 lượt 
Hiệu quả từ dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất hoa lan
Những năm gần đây, mô hình trồng lan cắt cành xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm hoa lan cắt cành có khả năng cạnh tranh trên thị trường đã dần được nông dân tiếp nhận và phát triển. Mô hình trồng lan cắt cành đang mở ra một hướng đi mới cho nhiều nông dân trong tỉnh

Hỗ trợ tối đa cho nông dân trồng lan

Từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với Câu lạc bộ (CLB) trang trại hoa lan Bình Dương thực hiện Dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, với mục tiêu xây dựng nên những trang trại trồng lan cắt cành quy mô lớn, kỹ thuật cao, trung tâm thường xuyên mời các chuyên gia trong ngành đến để hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt cho nông dân, đồng thời hỗ trợ giống mới, các loại phân bón chuyên dùng cho lan. Trong thời gian thực hiện dự án từ năm 2014-2016, trung tâm đã phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn, 3 hội nghị chuyên đề và 3 chuyến tham quan, học tập mô hình hợp tác tiên tiến ở TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…

Nhằm giúp cho các hội viên trong CLB trang trại hoa lan Bình Dương áp dụng theo quy trình chăm sóc chung để tăng năng suất và chất lượng hoa cắt cành, cung cấp cho hoạt động kinh doanh của CLB, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp triển khai mô hình chăm sóc thâm canh trình diễn sử dụng phân bón vi lượng tăng độ bền của sản phẩm hoa lan. Mô hình được triển khai thực hiện tại 13 điểm trình diễn với diện tích 2.600m2 . Sau 2 năm áp dụng quy trình bón phân và chăm sóc, tỷ lệ hoa loại 1 tăng lên 90%, tỷ lệ hoa loại 2 giảm xuống còn 10% và không còn hoa loại 3.

Theo ông Lê Văn Đạt, Chủ nhiệm CLB trang trại hoa lan Bình Dương, để đầu tư khoảng 200m2 đất trồng lan, nông dân cần bỏ ra khoảng 80 triệu đồng, bao gồm chi phí cho cây giống, hệ thống phun tưới tự động, làm đất, lên luống... Trung bình mỗi cành lan khoảng 8 hoa thì thu hoạch được; mỗi cành hoa hiện có giá 10.000 - 12.000 đồng, mỗi tháng người trồng sẽ thu được từ 2 - 5 triệu đồng từ lan cắt cành. Như vậy, chỉ sau 3 năm người trồng lan sẽ thu được vốn. Quan trọng hơn là họ sẽ có được một vườn lan tiếp tục cho hoa dài lâu, bởi lan là loại cây sinh trưởng vô hạn, chỉ cần chăm sóc tốt thì lan tiếp tục cho hoa dài lâu.

Chính vì hiệu quả kinh tế cao, lại tận dụng được lao động nhàn rỗi và diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ nên mô hình trồng lan cắt cành xuất hiện ngày càng nhiều ở Bình Dương. Những người nông dân trồng lan đã bắt đầu liên kết lại với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, lan cắt cành tại tỉnh đã trở thành loại hàng hóa có giá trị cao.

Đưa thương hiệu Hoa lan Đất Thủ vươn xa

Trong ngành trồng và kinh doanh hoa lan, việc có giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ uy tín người sản xuất, giúp họ an tâm hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Vì vậy, dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất của các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể Hoa lan Bình Dương cho người trồng lan nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, bảo đảm việc xúc tiến thương mại có hiệu quả. Điều đáng mừng là ngày 19-4-2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể Hoa lan Đất Thủ.

Để tiếp sức cho nông dân, hướng đến việc sản xuất lan thương phẩm chuyên nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND về việc hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kỹ thuật cao. Theo đó, đã có 5 hội viên của CLB trang trại hoa lan Bình Dương được tiếp cận và giải ngân 3 tỷ đồng từ nguồn vốn theo quyết định này.

Ông Quang chia sẻ, nhìn chung dự án đã làm thay đổi mối liên kết hợp tác của hội viên trong CLB trang trại hoa lan Bình Dương. Diện tích hoa lan mokara của CLB năm 2014 có 2,7 ha, nay đã tăng lên hơn 8 ha, với nhiều chủng loại lan

QUỲNH NHIÊN