0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn: Có cần sự đồng bộ?

19/07/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn: Có cần sự đồng bộ?
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng được lãnh đạo Bộ nhận diện, đặt ra tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Xây dựng.

Bảo đảm thích ứng công nghệ mới

Theo ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, sự thiếu đồng bộ là một trong những bất cập của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành Xây dựng hiện nay, đang đặt ra vấn đề về quy hoạch lại cả hệ thống để đảm bảo sự kết nối giữa các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các Bộ, ngành tham gia vào lĩnh vực xây dựng.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam đã trải qua 20-30 năm. Hệ thống này thừa hưởng theo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nga. Nhưng trong điều kiện hội nhập quốc tế gần đây, thị trường xây dựng đòi hỏi hệ thống kỹ thuật quản lý về quy chuẩn, tiêu chuẩn thích ứng các dự án có nguồn vốn khác nhau, ngoài dự án vốn nhà nước còn có số lượng rất lớn dự án vốn ngoài nhà nước với sự gia tăng số lượng nhanh chóng, đặt ra yêu cầu hệ thống kỹ thuật quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn phải thích ứng với điều kiện công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chủ yếu do Bộ Xây dựng thực hiện, ngoài ra còn có các Bộ, ngành khác như: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an cũng tham gia xây dựng, ban hành những nội dung liên quan đến quản lý nhà nước của các Bộ, ngành này, dẫn đến sự chồng chéo, không đồng bộ. Trong khi ở Bộ Giao thông vận tải phần lớn theo hệ thống tiêu chuẩn của Mỹ thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ yếu theo tiêu chuẩn của Nga; Bộ Xây dựng đang có sự chuyển biến rõ rệt với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về kết cấu công trình chủ yếu theo Nga, nhưng về vật liệu theo ISO và theo Mỹ là chủ yếu.


Kiểm tra chất lượng vật liệu tại hiện trường. (Ảnh: ĐHXD)

Ông Lê Trung Thành cũng cho rằng, việc xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cần có sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu và các hiệp hội nghề nghiệp. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phải là sự tập hợp trí tuệ của các bên, để đảm bảo hệ thống đáp ứng được việc giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt cuối cùng.

Cần “nhạc trưởng”

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay cơ bản đáp ứng cơ bản yêu cầu, không có vấn đề gì quá vướng mắc, tuy nhiên có những rào cản cần phải xem xét, sửa đổi tiếp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi sau khi rời khỏi nền tảng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nga, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam cần có sự kết nối để đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các Bộ, ngành. Do đó, vấn đề đặt ra là có cần phải quy hoạch lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo sự kết nối hay không? Có cần một “nhạc trưởng” cho việc quy hoạch lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hay không? Và, có nên cho phép sử dụng tiêu chuẩn cơ sở, tức là cho phép các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất sản phẩm hàng hóa đưa vào công trình, tự ban hành, tự công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn khi mà các sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng không cần được cho phép mới được dùng mà chỉ cần chủ đầu tư phê duyệt, có thẩm định?

Ông Lê Trung Thành kiến nghị xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành Xây dựng. Theo ông Thành, nếu Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng là đầu mối xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn thì các Bộ, ngành khác khi ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn ngành và ban hành ít hơn, phải có sự tích hợp với hệ thống chung mới đảm bảo hệ thống quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn mang tính đồng bộ, vận hành trơn tru.

Nguồn nhân lực cho việc xây dựng các quy định trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn không thể thiếu vai trò của các viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu, ngay từ khâu xây dựng, cấu trúc hệ thống của từng loại quy chuẩn tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, hạn chế tối đa những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện

Thanh Nga