0908.326.779 - 0906.362.707
 

Giả mạo kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ bị xử phạt thế nào?

08/09/2017    4.25/5 trong 6 lượt 
Việc giả mạo kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP.

Độc giả Nguyễn Tiến Luân (Bình Dương): Hiện nay, rất nhiều đơn vị, cá nhân vì lợi nhuận mà có các hành vi giả mạo kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vậy hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

Giả mạo kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ bị xử phạt thế nào? - ảnh 1

Giả mạo kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ bị xử lý theo Khoản 2 Điều 24 Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Ảnh minh họa

Trả lời:

Giả mạo kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những hành vi bị cấm trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được quy định tại Điều 8, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008.

Đối với hành vi này sẽ bị xử lý theo Khoản 2 Điều 24 Nghị định 80/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Điều 24. Hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Giả mạo kết quả thử nghiệm hoặc kết quả kiểm tra hoặc kết quả giám định hoặc kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

b) Tịch thu kết quả thử nghiệm hoặc giấy chứng nhận kiểm tra hoặc giám định hoặc kiểm định chất lượng đối với vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đã ghi, gắn lên sản phẩm, hàng hóa hoặc các tài liệu kèm theo. 

 

Theo Điều 8, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Sản xuất sản phẩm, nhập khẩu, mua bán hàng hóa đã bị Nhà nước cấm lưu thông.

2. Sản xuất sản phẩm, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng.

4. Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng.

5. Dùng thực phẩm, dược phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc đã hết hạn sử dụng làm từ thiện hoặc cho, tặng để sử dụng cho người.

6. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

9. Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.

10. Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa đối với ng­ười, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

11. Sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa bằng nguyên liệu, vật liệu cấm sử dụng để sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa đó.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

13. Lợi dụng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để gây phương hại cho lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.