0908.326.779 - 0906.362.707
 

Dừng sản xuất khi phát hiện sai phạm về chất lượng: Doanh nghiệp sẽ chết

12/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Dừng sản xuất khi phát hiện sai phạm về chất lượng: Doanh nghiệp sẽ chết
Theo đại diện các doanh nghiệp, nếu Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quy định cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra được phép thu hồi hàng hóa, dừng sản xuất khi phát hiện sai phạm về chất lượng theo kết quả xét nghiệm thì doanh nghiệp sẽ “chết hết”, "chết" mà không biết kêu ai.

Ý kiến này được ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng (NFG), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu lên tại Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án GIG của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) diễn ra hôm nay, 11-6 tại TPHCM.

Theo ông Tuấn, trước đây, ở Thông tư 26/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định doanh nghiệp có quyền đưa mẫu đễn phòng xét nghiệm khác có đủ tiêu chuẩn nếu không đồng ý với kết quả xét nghiệm lần một từ cơ quan chức năng. Mọi chi phí doanh nghiệp chịu.

Nhưng, hiện nay, quy định này đã được sửa lại trong Thông tư 12/2017 như đã nói trên.

Theo ông Tuấn, quy định như vậy là nguy hiểm cho doanh nghiệp vì công tác xét nghiệm thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề. Điển hình như câu chuyện sữa dê Danlait. Ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội rằng, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur, tỷ lệ đạm trong sữa này chỉ 3% trong khi công bố trên nhãn 13% thì quản lý thị trường đã đến và niêm phong hàng hóa. Chỉ vài ngày sau, cơ quan kiểm nghiệm khác lại cho kết quả, đạm trong sữa dê Danlait hơn 13% đúng như nhãn công bố và Viện Pasteur cũng có văn bản thừa nhận đã dùng sai phương pháp kiểm nghiệm. Tuy nhiên, doanh nghiệp thì chịu hậu quả nặng nề: phá sản.

“Kiểm mà không cho doanh nghiệp kiểm lại khi không đồng ý và đi đến việc niêm phong, đóng cửa ngay, thu hồi hàng về thì các doanh nghiệp sẽ phá sản hết, chết nhanh chóng, chết mà không biết kêu ai vì không ai chịu trách nhiệm, không ai đền bù cho thiệt hại…”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, đây chỉ là một trong nhiều vấn đề đang còn tồn tại về công tác quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay. Trong số này, nhiều quy định tiếp tục gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp (như cấp chứng thư xuất khẩu cho từng lô hàng dù cùng là mặt hàng) cũng như không bám sát thực tế (yêu cầu thêm muối i - ốt vào sản phẩm trong quá trình sản xuất dù làm như vậy không tác dụng vì i-ốt bay hơi khi gia nhiệt)…

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm minh bạch thì chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện còn rất nhiều quy định làm anh hưởng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự quản lý này của cơ quan chức năng lại rất lỏng lẻo. Ví dụ như cấp chứng nhận phân bón nhưng phân bón giả tràn lan, không ai chịu trách nhiệm… Tương tự, chứng nhận GAP cho nông sản: cấp nhưng không giám sát khiến người thực hiện không tuân thủ…

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án GIG cho biết, Nghị quyết 19 lần thứ 5 đã được Chính phủ ban hành. Sau 4 lần thực hiện, ngoài một số mục tiêu đạt được thì còn có nhiều vấn đề tồn tại, tiếp tục phải cải thiện.

8.000 container giấy phế liệu, nhựa phế liệu tồn ở cảng Cát Lái

Theo ông Nguyễn Năng Toản, Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tham dự hội thảo thì hiện ở cảng Cát Lái đang tồn đọng gần 8.000 container giấy phế liệu, nhựa phế liệu. Trong số này, khoảng 1/3 là tồn trên 90 ngày.

Theo ông Toản, việc tồn hàng ngàn container phế liệu là một trong những nguyên nhân khiến cảng này quá tải, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Đơn vị này đã tìm hiểu nguyên nhân và được biết, do Trung Quốc và một số nước siết chính sách nhập khẩu hàng phế liệu, không tiếp nhận nên các lô hàng chuyển về Việt Nam. Chi phí xử lý một container về môi trường ở nước ngoài rất lớn, cao hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra đưa hàng về Việt Nam.

Vấn đề là, hàng quá 90 ngày không có người nhận thì Việt Nam phải xử lý, không chỉ tốn chi phí mà tác động môi trường rất lớn.

Minh Tâm