0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

07/06/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Hôm nay (5/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.

Những kết quả tích cực

Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Thực hiện Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27/7/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/QH14 ngày 28/7/2016 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”.

Trong thời gian từ tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017, Đoàn giám sát đã làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm việc với Chính phủ và 3 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm (ATTP): Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương; tổ chức 3 Hội nghị chuyên đề tại 3 miền Bắc, Trung và miền Nam.

Theo đánh giá của UBTVQH, đến nay, việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, UBND các cấp về ATTP đã được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động QLNN về ATTP. Hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành đã được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Nội dung hoạt động có nhiều sự đổi mới, tập trung vào thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý sự cố ATTP, giải quyết các vướng mắc trong phân công, phân cấp quản lý ATTP. Nhiều vấn đề vướng mắc trong quản lý ATTP đã được tháo gỡ, nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP được phát hiện, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức quản lý, nhân lực, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý ATTP từng bước được kiện toàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kiểm định, kiểm nghiệm mẫu, giám định, nghiên cứu khoa học về ATTP đã được đầu tư nhiều hơnĐến năm 2016, cả nước có trên 200 cơ sở thực hiện kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm ATTP do Nhà nước đầu tư hoặc được chỉ định; 34 tổ chức cơ quan, tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ làm nhiệm vụ kiểm định, kiểm nghiệm mẫu, giám định, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thực phẩm; số lượng cơ sở kiểm định, kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17.025 là 165, số được chỉ định là 151. Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng về ATTP giai đoạn 2011 - 2016 cũng được tăng cường, chiếm 16,3% so với tổng đầu tư NSNN cho công tác ATTP cả giai đoạn.

Với từng ngành hàng, công tác quản lý ATTP trong sản xuất rau, quả tươi sống, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có nhiều tiến bộ, bước đầu đã có mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi. Theo đó, trong sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống, cả nước đã có 23.076 cơ sở sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, với lượng sản xuất 3,9 triệu tấn rau, quả mỗi năm; đã có 43 tỉnh có quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích quy hoạch đến năm 2020 là 120.870 ha (chiếm 14,7% diện tích rau cả nước); có 1.530 cơ sở sản xuất rau áp dụng theo các tiêu chuẩn GAP với diện tích khoảng 12.687 ha, bằng 1,54% diện tích rau cả nước; số cơ sở sản xuất, kinh doanh rau quả an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 57%.

Trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SXKD sản phẩm thịt đạt 43% trên tổng số 15.388 cơ sở thuộc diện phải cấp giấy và chiếm 20,8% trên tổng số cơ sở chăn nuôi; số lượng cơ sở triển khai tổ chức áp dụng quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi là trên 11.230 hộ, đã có trên 100 trang trại chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Đã có nhiều mô hình chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín, đầu tư hệ thống chuồng, trại hiện đại, đệm sinh học, hầm biogas để cải thiện điều kiện chăn nuôi và xử lý ô nhiễm môi trường...

Trong nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến thủy sản: Tỷ lệ cơ sở nuôi trồng thủy sản năm 2015 được kiểm tra đạt yêu cầu là 89,1% tăng so 2013 (66%); đến 11/2016 đã cấp được 201 giấy chứng nhận VietGAP cho 350 cơ sở nuôi tôm, cá tra, rô phi…; ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt, có công nghệ siêu thâm canh trong hệ nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi trồng thủy sản bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh, chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu tăng, thị trường được mở rộng. Do kiểm soát tốt chất lượng, VSATTP nên nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có mặt trên 160 nước, trong đó có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc… Nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... của Việt Nam đã đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu trên thế giới. Việc kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ gây mất ATTP có nhiều tiến bộ. Số lượng cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SXKD thực phẩm chiếm 61%, tăng gấp 6 lần so với giai đoạn 2006 - 2008. Cả nước đã có 519 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, thủy sản an toàn, trong đó có 224 chuỗi được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát ATTP làm cơ sở cho việc nhân rộng trong thời gian tới. 

Đối với thực phẩm chế biến công nghiệp do được đầu tư và kiểm tra thường xuyên nên ATTP được bảo đảm, có chất lượng cao. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý theo HACCP, ISO 22000; riêng chế biến thuỷ sản hiện có 645 cơ sở đạt quy chuẩn của Việt Nam, áp dụng HACCP phục vụ cho xuất khẩu trực tiếp vào EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Đồng bộ giải pháp đảm bảo ATTP

Đồng tình với những kết quả được UBTVQH đưa ra, nhưng cũng không ít ý kiến của các đại biểu cho rằng cần nhiều giải pháp hơn nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động QLNN về ATTP.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – đoàn Tiền Giang cho rằng, ATTP không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã được lên tiếng nhiều năm nay. Nhiều hoạt động đẩy mạnh hiệu quả QLNN về ATTP đã được triển khai nhưng hiệu quả thu được chưa cao, vấn đề ATTP vẫn còn nhiều bất cập và đa số người dân không yên tâm với thực phẩm đi mua. Hàng chục nghìn vụ ngộ độc về mất an toàn thực phẩm đã diễn ra những năm vừa qua, hàng loạt bệnh phát sinh từ tích tụ thực phẩm không an toàn cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

“Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nguyên nhân của tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra do việc thực hiện nhiệm vụ QLNN còn có sự cắt khúc giữa trang trại đến bàn ăn. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra còn thiếu, hạn chế về chuyên môn. Kinh phí đầu tư cũng còn hạn chế, phân tán ở nhiều khâu khác nhau. Thiết bị chưa được đầu tư hiện đại, đồng bộ…” – đại biểu Nguyễn Minh Anh cho hay.

Để nâng cao hiệu quả QLNN về vấn đề vệ sinh ATTP, theo đại biểu, cần thiết lập đường dây nóng với đầu số dễ nhớ để người dân phản ánh về những vụ việc mất ATTP. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chất xả thải từ các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung. Các tỉnh, thành phố cần nghiêm túc xem xét đưa tiêu chí ATTP là một tiêu chí bắt buộc khi xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng phụ nữ, mặt trận tổ quốc trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại biểu Dương Minh Ánh – đoàn Hà Nội cho rằng, để có được sản phẩm rau quả tươi sống, thực phẩm an toàn thì nguồn nước, nguồn không khí, đất trồng phải sạch. Nhưng hiện nay, nước từ sông Đáy, sông Nhuệ ô nhiễm nên đã ảnh hưởng đến việc trồng trọt, chăn nuôi của các tỉnh ven 2 con sông này. Do đó, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp “cứu” các con sông, từ đó đảm bảo cuộc sống cho 12 triệu người dân sống ven sông  

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ rượu tự nấu, rượu truyền thống hiện nay có nơi đã đến mức báo động đỏ. Theo thống kê, 80% rượu tiêu thụ trên thị trường không có nhãn mác và không kiểm soát được chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, giống nòi của dân Việt Nam. Vì vậy cần tăng chế tài xử phát đối với cơ sở, cá nhân vi phạm; sửa luật ATTP thành xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, Đại biểu Lưu Thành Công – đoàn Vĩnh Long cho rằng, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã rất tập trung cho công tác thực hiện an toàn thực phẩm, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế xung quanh lĩnh vực này. Đơn cử, công tác tuyên truyền dù thực hiện nhiều nhưng mới chỉ tuyên truyền trên bình diện rộng, chưa đi vào chiều sâu, chưa đề cao đạo đức con người trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho nên vì lợi nhuận vẫn còn một số hộ kinh doanh, cá nhân đưa thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ, gây tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Quan trọng hơn, trang thiết bị phục vụ cho ATTP còn rất thiếu và một số văn bản quy định của Chính phủ xung quanh lĩnh vực này còn chưa bao quát hết.

Do vậy, trong thời gian tới để kiểm soát ATTP, cần hoàn thiện được bộ tiêu chí đánh giá, kiểm tra các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ nông sản ở địa phương, ở nông thôn vì lĩnh vực này còn đang bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó đặc biệt nâng cao trách nhiệm, đạo đức của người sản xuất kinh doanh gắn với việc tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, Chính phủ cần có hỗ trợ tín dụng cho khâu sản xuất lớn, liên kết theo chuỗi sản xuất để có thể kiểm tra vấn đề ATTP một cách hiệu quả nhất

Nguyễn Việt