0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đồng bộ giải pháp

05/02/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Đồng bộ giải pháp
Trong những năm qua, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vấn nạn mất an toàn thực phẩm vẫn thực sự là nỗi lo với mỗi gia đình
Là địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, thị trường lớn và đa dạng, vấn đề an toàn thực phẩm lại càng quan trọng với Hà Nội. Với nỗ lực bền bỉ, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của Hà Nội đã đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp… Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, xã, phường, hay việc áp dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm… đã góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm hiệu quả hơn.

Song, những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn vẫn chưa hoàn toàn được chế ngự. Điều này đòi hỏi những giải pháp thực hiện cần quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.

Để các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, người sản xuất, kinh doanh cần thay đổi nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Vì thế, tuyên truyền vẫn là biện pháp cần được cơ quan chức năng bền bỉ, chủ động thực hiện. Bên cạnh việc vận động người dân tự giác thực hiện việc sản xuất an toàn, cơ quan chức năng cần khuyến khích để người dân chủ động tham gia sản xuất theo chuỗi, vì đây là điều kiện bảo đảm tốt hơn việc truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin trong sản xuất. Thông tin đáng mừng là mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 02/KH-UBND về duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu hướng đến nền sản xuất minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện và cấp xã cần thực hiện quyết liệt chức năng, nhiệm vụ, phải ngăn chặn kịp thời những vi phạm ngay từ cơ sở; không nể nang, né tránh. Song, để lực lượng này thực sự phát huy hiệu quả, họ cần được trang bị đầy đủ kiến thức, thiết bị và kinh phí hoạt động…

Tiếp nối hiệu quả của Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn", cần nhân rộng hơn nữa những mô hình truy xuất nguồn gốc. Đây là hoạt động thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với nhu cầu hiện nay nên nhân rộng đến các sản phẩm nông sản khác là phù hợp. Nếu hoạt động này hiệu quả, sẽ góp phần loại bỏ khỏi thị trường những sản phẩm độc hại, những cơ sở sản xuất nhập nhèm…

Và như Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh tại hội nghị đánh giá kết quả công tác an toàn thực phẩm năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 diễn ra ngày 31-1, chủ đề "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" cần được vận dụng vào lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, phải được xác định rõ ràng và hoạt động thanh tra, kiểm tra cần quyết liệt, hiệu quả hơn. Trong đó, vấn đề con người có vai trò quan trọng, quyết định.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các giải pháp, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới đạt hiệu quả như mong muốn
Minh Thúy