0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành

31/03/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Góp ý nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp (DN) thủy sản cho rằng, cần đơn giản các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho DN

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ những bất cập trong thực tế sau 4 năm triển khai Nghị định 38, các DN thủy sản kiến nghị nhiều nội dung có liên quan đến XNK. Về phạm vi công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, các DN kiến nghị: Thực hiện đúng theo quy định tại Điều 12 của Luật ATTP và các Nghị quyết liên quan của Chính phủ. Theo đó Dự thảo Nghị định phải đảm bảo: Chỉ đăng ký bản công bố hợp quy với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường; Bãi bỏ quy định cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP do không có quy định trong Luật ATTP và thực hiện thời gian 4 năm qua cho thấy sự bất cập, vướng mắc như tính chất của một “giấy phép con”. 

Miễn thực hiện việc công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm ATTP, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam dùng để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. 

Về quy định hồ sơ, thủ tục đăng ký, tiếp nhận đăng ký và trả kết quả công bố hợp quy thực phẩm, các DN kiến nghị, cần sửa đổi Nghị định 38 theo hướng đơn giản hóa các thành phần của hồ sơ đăng ký hợp quy, thủ tục đăng ký công bố hợp quy, tiếp nhận đăng ký và thông báo tiếp nhận công bố hợp quy dựa trên các nguyên tắc sau:  Việc nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy là do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải công bố hợp quy thực hiện; Cơ quan nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký và cấp “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy”;  Sửa đổi quy định yêu cầu cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ: “kiểm tra hồ sơ xem hồ sơ có đủ không ngay khi DN nộp hồ sơ, và thời gian cấp ‘Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy’ xuống còn tối đa là 3 ngày làm việc”.

 Lý do, thực tế hiện nay, Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của các cá nhân, tổ chức có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy” có tính chất như là một hình thức cấp “Giấy phép con” và chưa đúng với tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật ATTP, cũng như tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.  

Bên cạnh đó, bản chất của hoạt động đăng ký công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy”. 

Về thời gian làm hồ sơ công bố hợp quy, theo các DN để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy cho nhiều loại sản phẩm, bao gồm sản phẩm cho tiêu thụ nội địa, DN cũng phải mất nhiều thời gian (theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 38 là 15 ngày làm việc, tương đương khoảng 3 tuần) và chi phí. 

Nhưng thực tế hiện nay, thời gian để DN làm thủ tục để được cấp Giấy Xác nhận không chỉ là 3 tuần như qui định trên, mà thông thường còn mất nhiều thời gian hơn thậm chí là gấp đôi thời gian quy định. Nguyên nhân, nhiều trường hợp sau khi đã chờ đợi đến đủ 3 tuần, DN lại mới nhận được thông báo là hồ sơ không đạt, yêu cầu DN nhận lại hồ sơ và văn bản Thông báo không đạt để về sửa lại hồ sơ. DN lại tiếp tục nộp hồ sơ và được tính lại từ đầu là 15 ngày làm việc. Do vậy, thời gian làm thủ tục công bố hợp quy của DN thường rất lâu, dẫn đến nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, làm DN mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.   

Hiệp hội kiến nghị các cấp xem xét, đưa vào sửa đổi, điều chỉnh lại Dự thảo nhằm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng DN, thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQCP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Lê Thu