0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp lấy giải thưởng làm bình phong để gian lận kinh doanh

15/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Doanh nghiệp lấy giải thưởng làm bình phong để gian lận kinh doanh
Một số chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp “bội thực” với huy chương, cúp vàng và chỉ cần nộp tiền là có giải… cần phải chấm dứt ngay

Tuần trước “ẵm” giải, tuần sau bị “bóc phốt”

 

Góc nhìn luật gia - Doanh nghiệp lấy giải thưởng làm “bình phong” để gian lận kinh doanh

Hai sản phẩm bị thu hồi danh hiệu “huy chương vàng vì sức khỏe cộng đồng” của công ty Thiên nhiên TS Việt Nam.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ lô mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 11 tỷ đồng của công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (địa chỉ tại quận Hà Đông, Hà Nội).

Theo cơ quan chức năng, 14.000 sản phẩm bị thu giữ đều chưa được xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Nhiều dòng sản phẩm làm trắng da có nhãn mác ghi giả sản xuất tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng thực chất là đóng tại kho xưởng tạm ở quận Hà Đông.

Do vụ việc có tính chất phức tạp, nhiều hàng hóa, nhiều đầu mối cung cấp nên cơ quan quản lý thị trường đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ. Lãnh đạo PC46 cho biết, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án.

Điều đáng nói, trước đó, công ty này đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng. Trong đó, có giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng 2017”, được cấp phép bởi tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng bộ KH&CN phối hợp cùng hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức. Hai sản phẩm viên trắng da Beauty 99 và viên Detox giảm cân Sen Slim của công ty đã lọt vào Top 10 huy chương Vàng.

Mới đây nhất, ngày 8/10, công ty cũng lọt vào Top 10 trong chương trình “Vinh danh Top thương hiệu gia đình tin dùng lần I năm 2017”. Đúng 10 ngày sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện ra vụ bê bối liên quan đến sản phẩm mỹ phẩm trên.

Theo quảng cáo trên phương tiện truyền thông, công ty TS cũng sở hữu nhiều Đại sứ thương hiệu nhất Việt Nam.

Sau vụ việc ầm ĩ này, hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã ký quyết định thu hồi 2 danh hiệu “huy chương Vàng vì sức khỏe cộng đồng” đã trao cho TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam.

Cũng trong thời gian qua, việc thương hiệu Khaisilk thực chất là khăn lụa “made in China” đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ông Hoàng Khải - người từng được mệnh danh là “ông hoàng của lụa” đã lên tiếng thừa nhận việc nhập khăn Trung Quốc gắn mác Khaisilk “made in Vietnam” từ hàng chục năm qua và xin lỗi khách hàng.

Đáng nói, thương hiệu Khaisilk cũng từng nhận được rất nhiều giải thưởng, cúp vàng... Sau vụ khăn lụa, nhiều người đòi tẩy chay thương hiệu này. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần thu hồi các giải thưởng đã cấp cho Khaisilk.

Theo phản ánh của nhiều chủ doanh nghiệp, việc mua một số danh hiệu và giải thưởng không hề khó khăn. Doanh nghiệp chỉ cần làm hồ sơ và chuyển tiền là... xong. Một giải thưởng có đến mấy trăm doanh nghiệp được nhận giải, tiền nhiều thì giải thưởng lớn, tiền ít giải thưởng nhỏ... Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng giải thưởng làm “bình phong” để đánh bóng tên tuổi, gian lận trong kinh doanh.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên nghiên cứu viên cao cấp của bộ Công Thương cho biết: “Trước hết, phải nói rằng, việc tôn vinh các sản phẩm trong nền kinh tế thị trường là cần thiết. Đó là một trong những hoạt động để xúc tiến thương mại, khích lệ, tôn vinh những người làm ăn chân chính và để người tiêu dùng đặt niềm tin khi mua sản phẩm. Chỉ tiếc rằng trong thực tế đã xuất hiện hiện tượng mua bán danh hiệu”.

Có tình trạng mua bán giải thưởng

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng: “Về mặt quy trình, bao giờ các cơ quan, đơn vị tổ chức trao giải cũng sẽ lập hội đồng, có những thành phần cần thiết để xem xét tiêu chí của sản phẩm đối với giải thưởng đó đã đạt hay chưa.

Trên cơ sở hồ sơ mà các doanh nghiệp nộp lên theo yêu cầu của ban tổ chức, họ sẽ xem xét và quyết định giải thưởng. Gần như bất cứ giải thưởng nào cũng phải làm theo quy trình đó. Thế nhưng, có nhiều trường hợp đã thực hiện khâu này không tốt. Cứ có tiền nộp vào là cho qua. Đây là hành động hết sức đáng trách.

Nhưng cũng có những trường hợp, hồ sơ của các doanh nghiệp nộp lên bị giả mạo, được “làm màu”. Hội đồng đánh giá lại chỉ giao cho một vài nhân viên đi thẩm tra. Trong khi nhân viên đó được phần trăm khi kêu gọi được doanh nghiệp tham gia giải thưởng. Và chính các nhân viên này đã hướng dẫn doanh nghiệp “làm đẹp hồ sơ” để qua mắt hội đồng.

Trường hợp thứ ba, tức là các nhân viên cũng đi thẩm tra, hội đồng cũng làm việc kỹ lưỡng, thế nhưng sau đó không may lại gặp phải chuyện này, chuyện kia”.

Vị chuyên gia kinh tế phân tích thêm: “Khi phát hiện có tình trạng mua bán giải thưởng, Chính phủ đã phải chỉ đạo không trao giải thưởng, danh hiệu cho các doanh nghiệp, sản phẩm một cách tràn lan nữa. Và chỉ có một số đơn vị và một số giải thưởng được phép trao giải. Sau khi có chỉ đạo đó, việc này được thực hiện nghiêm túc hơn.

Thế nhưng, các công ty tổ chức sự kiện lại tìm đủ mọi cách để lách luật và gần đây tình trạng mua giải thưởng, tiêu cực trong giải thưởng có vẻ lại nở rộ. Hiện tượng mới tuần trước trao giải thưởng, tuần sau lại phát hiện lùm xùm này khác không hiếm”.

Từ thực tế trên, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng: “Đã đến lúc phải lập lại trật tự trong việc trao danh hiệu, giải thưởng. Trước hết, phải làm rõ tiêu chí doanh nghiệp, đơn vị nào được phép tổ chức trao giải thưởng, danh hiệu.

Phải làm thủ tục đăng ký đối với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực về giải thưởng sẽ được trao, để tránh chuyện có quá nhiều giải, lộn xộn... Những đơn vị được trao giải thì phải có trách nhiệm và kinh nghiệm để không bị nhầm lẫn, sai sót.

Ngoài ra, cũng cần phải có quy định, nếu như anh để xảy ra sai sót đến mức phải xử lý thì bị rút giấy phép vĩnh viễn, không được tổ chức sự kiện đó nữa. Như vậy, sẽ giảm bớt những "hạt sạn" đáng tiếc trong việc trao danh hiệu, giải thưởng như hiện nay”.

Góc nhìn luật gia - Doanh nghiệp lấy giải thưởng làm “bình phong” để gian lận kinh doanh (Hình 2).

Đại biểu Quốc hội  Trần Thị Quốc Khánh.

Trao đổi với PV, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: “Việc trao thưởng có mặt tích cực là khích lệ người ta làm điều tốt, đưa ra các sản phẩm có tính chất quảng bá, cạnh tranh. Nhưng mặt trái là tạo ra hình thức, nhân chuyện đó để chạy đua, mua giải thưởng.

Vấn đề cần rút ra là chúng ta phải làm thực chất, các ngành Công Thương, Hải quan, Nông nghiệp, Tư pháp... cần kiểm tra, thanh tra, giám sát tốt trong công tác quản lý Nhà nước. Phải làm mạnh, công tâm, khách quan, sử dụng thiết bị phương tiện hiện đại để kiểm tra trực tiếp. Không thể có kiểu hôm nay vừa nhận giải thưởng, mai lại phát hiện đó là hàng lậu, hàng kém chất lượng. Nếu công ty tổ chức sự kiện có sai phạm thì phải xử lý nghiêm”.                             

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khuyến cáo: “Làm ăn trong cơ chế thị trường thì các doanh nghiệp cần phải giữ uy tín, sản phẩm có tốt thì người ta mới tìm đến, nếu làm ăn gian dối thì trước sau gì cũng bị phát hiện”

Chí Công