0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận diện thị trường thực phẩm chức năng online lưu manh, siêu lợi nhuận

22/06/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận diện thị trường thực phẩm chức năng online lưu manh, siêu lợi nhuận
Trước vi phạm lừa đảo, bán thực phẩm chức năng bất hợp pháp trên mạng, Cục trưởng Cục ATTP gọi đó là hành vi lưu manh, bất chấp luân thường đạo lý

Chiều 20/6, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phải thốt lên: Phải gọi đó là lưu manh khi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh. 

Hiện có 53% những vi phạm mà Cục xử lý, xử phạt trong thời gian qua là liên quan đến việc quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN).  

PV: Ông có thể nhận diện những sai phạm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN như thế nào?

Đơn cử như trường hợp sai phạm của công ty Đông Nam Dược đang được các cơ quan chức năng xử lý. Công ty này kinh doanh TPCN theo phương thức bán hàng online với nhiều sản phẩm liên quan đến bệnh lý mãn tính, làm đẹp.

Chưa nói đến chất lượng các sản phẩm này như thế nào nhưng các sản phẩm được đăng ký dưới dạng TPCN thì chỉ có công dụng "hỗ trợ điều trị bệnh" song chúng được các đối tượng điều hành của công ty này quảng cáo thổi phồng là có tác dụng điều trị, chữa bệnh như thuốc với các ngôn từ: "chữa bệnh triệt để", "điều trị khỏi bệnh".

  Người tiêu dùng đang bị bao vây bởi hàng loạt các quảng cáo vi phạm pháp luật

Người tiêu dùng đang bị bao vây bởi hàng loạt các quảng cáo vi phạm pháp luật

Cùng với việc thổi phồng công dụng, chúng còn sử dụng phương thức hù dọa người bệnh thiếu hiểu biết về bệnh trong bối cảnh họ đang có tâm lý lo lắng về nỗi đau bệnh tật với những cuộc tư vấn online nhiệt tình.

Đặc biệt, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc đội ngũ tư vấn viên bán sản phẩm không hề có trình độ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực y dược nhưng lại được đào tạo các mánh khoé nắm lấy tâm lý người bệnh để tư vấn theo kiểu hù dọa khiến cho nhiều người tiêu dùng lạc vào ma trận do chúng dẫn dắt.

Hậu quả là tiền mất, tật vẫn mang. Tôi phải gọi đó là hành vi lưu manh, bất chấp luân thường đạo lý. 

Trước vi phạm lừa đảo, bán thực phẩm chức năng bất hợp pháp trên mạng, Cục trưởng Cục ATTP gọi đó là hành vi lưu manh, bất chấp luân thường đạo lý.
Trước vi phạm lừa đảo, bán thực phẩm chức năng bất hợp pháp trên mạng, Cục trưởng Cục ATTP gọi đó là hành vi lưu manh, bất chấp luân thường đạo lý.

Bản thân tôi khi đến kiểm tra trực tiếp tại địa chỉ công ty Đông Nam Dược này đăng ký đã bấm máy kết nối với tư vấn viên bán hàng của công ty này cũng nhận được hàng tràng lời tư vấn sản phẩm chữa đau nhức xương khớp với cam kết chữa khỏi hẳn sau một vài liệu trình. Tuy nhiên, khi tôi hỏi lại kiến thức y khoa thì người đầu dây bên kia lập tức dập máy.

Song tôi muốn nhấn mạnh, hiện tượng này không riêng gì công ty Đông Nam Dược, mà còn là chiêu thức của không ít doanh nghiệp kinh doanh TPCN hiện nay.

PV: Theo ông mô-tuýp chung về các sai phạm trong lĩnh vực này là gì?

Phần lớn thị trường mà các công ty kinh doanh bất chính trong lĩnh vực TPCN này tập trung vào nhóm các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh mãn tính (như tiểu đường, xương khớp, bệnh theo mùa...), bệnh khó nói (như viêm nhiễm phụ khoa, bệnh da liễu, yếu sinh lý), bệnh nan y (như ung thư) và có nhu cầu cao (như làm đẹp, giảm béo) với chiêu bài: thuốc đông y gia truyền nổi tiếng; thành phần thảo dược thiên nhiên an toàn...

Mặc dù là sản phẩm TPCN nhưng lại cam kết như thuốc đặc trị có thể chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Phương thức kinh doanh chủ yếu là tư vấn và bán hàng online, nếu người tiêu dùng có nhu cầu tư vấn hoặc mua hàng trực tiếp thì lập tức bị đe dọa, khống chế như: mất phí khám bệnh; tăng giá sản phẩm, không lưu hồ sơ bệnh án... 

Thậm chí, để lấy niềm tin người tiêu dùng, chúng sử dụng hình ảnh nhân viên y tế, thư cảm ơn bệnh nhân, cơ sở y tế, người nổi tiếng để quảng bá cho sản phẩm.

Tuy nhiên, tất cả các điều kể trên đều là sai phạm với các lỗi cụ thể như: Quảng cáo khi chưa có sự thẩm định, cho phép của cơ quan chuyên môn; Quảng cáo quá nội dung được phê duyệt; Sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế, cơ sở y tế, thư cảm ơn bệnh nhân để quảng cáo về công dụng sản phẩm.

Khi người tiêu dùng gặp phải những tình huống trên cần cảnh giác tránh mắc bẫy, đồng thời có thể báo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.

PV: Trước thực trạng trên, là cơ quan quản lý chuyên ngành, Cục An toàn thực phẩm có những khó khăn gì khi xử lý theo chức năng?

Hiện nay, với sự thông thoáng, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Nhà nước, nhưng một số doanh nghiệp lại lại lợi dụng chủ trương này để hoạt động bất minh.

Đơn cử như việc tạo điều kiện cho DN kinh doanh TPCN được phép tự công bố chất lượng sản phẩm và sau đó là cơ quan chức năng hậu kiểm.

  Việc sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc... đều vi phạm pháp luật.

Việc sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc... đều vi phạm pháp luật.

Thế nhưng thực tế là có những sản phẩm kém chất lượng đã lưu hành trên thị trường một thời gian thì mới phát hiện ra sai phạm. Lúc đó, thiệt hại người tiêu dùng cũng đã lãnh: trả giá về mặt sức khỏe lẫn tiền bạc. 

Đáng chú ý, trong thời đại 4.0, với sự tiện ích của mạng xã hội thì hình thức bán hàng online nở rộ khiến cho việc kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc quản lý ngày càng khó.

Thực tế cho thấy, có tình trạng kinh doanh trên mạng không phép, sai phép nhưng khi chúng tôi cùng các cơ quan chuyên môn xử lý vi phạm thì có nhiều doanh nghiệp không nhận đó là website của họ. Vì vậy, chúng tôi không có cơ sở để xử phạt.

Mặt khác, cái khó chồng cái khó là cơ quan chức năng hiện mới chỉ xử lý được các trang website bán hàng đặt máy chủ tại Việt Nam. Còn những website đặt máy chủ tại nước ngoài thì các cấp quản lý cũng đành “bó tay”. 

Riêng với hình thức vi phạm kể trên, ngay riêng với những nhân viên đứng ra trực tiếp tư vấn nhưng không có kiến thức y khoa hay người nổi tiếng nhận làm đại sứ thương hiệu cho những nhãn hàng vi phạm cũng chưa có chế tài xử phạt nào tương xứng.

Chưa kể, trong chính mức xử phạt cũng chưa có tính răn đe. Với mỗi công ty kinh doanh bất hợp pháp kể trên, chúng có thể kiếm siêu siêu lợi nhuận. Ví như công ty Đông Nam Dược, chỉ trong nửa tháng, doanh thu công ty này đã tới 1,5 tỉ đồng.

Thế nhưng, số tiền xử phạt nếu áp theo mức xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP, mức phạt mới chỉ tạm dừng ở con số 20 - 30 triệu đồng/ hành vi, nhiều nhất lên đến 100 triệu đồng (đối với cá nhân) và 200 triệu đồng (đối với tập thể). 

Chiếu theo quy định khác, nếu không xử phạt theo mức độ vi phạm như kể trên, cấp quản lý có quyền phạt giá trị tương xứng gấp 7 lần số hàng hoá vi phạm.

Tuy nhiên, bắt số hàng hoá thực tế trong kinh doanh online (mỗi lần họ giao hàng chỉ vài hộp đến vài chục hộp sản phẩm) thì không thấm tháp gì so với khoản siêu lợi nhuận mà chúng thu về. Chính xử phạt thiếu răn đe đó, những cơ sở vi phạm sẵn sàng chịu xử phạt để tiếp tục kinh doanh. 

PV: Thưa ông, hoạt động kinh doanh TPCN  là lĩnh vực đặc thù vì nó trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Vậy nó không chỉ dựa vào hành lang pháp lý mà còn phải trên nền tảng đạo đức con người?

Điều này hoàn toàn đúng!

Về phương diện pháp luật, hiện nay cách chúng tôi đang làm là công khai các đơn vị doanh nghiệp, hành vi vi phạm lên trang website của Cục An toàn thực phẩm để khuyến cáo người tiêu dùng tránh né. Cũng như chuyển thông tin sang Bộ Thông tin- Truyền thông song hành xử lý. 

Cùng với đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ  sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2013/NĐ-CP  theo hướng nâng mức xử phạt .

Bên cạnh đó, phía Bộ Y tế cũng phối hợp Công an điều tra, truy tìm phương thức thanh toán, chuyển khoản nguồn tiền và căn cứ cơ sở đó để xử phạt đúng mức vi phạm.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề pháp lý đã nêu, nó còn liên quan rất nhiều đến đạo đức con người.  Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến những người làm công việc bán hàng, tư vấn, người quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu vi phạm… vô hình chung cũng đang tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức trục lợi trên sức khỏe, tính mạng người dân.

Những người này đừng vì mưu sinh cá nhân mà làm những công việc bất lương. Trước khi làm các công việc liên quan đến sức khỏe, mọi người nên tìm hiểu rõ công ty, công việc phải làm để có sự cân nhắc sáng suốt.

Xin chân thành cám ơn ông!

Năm 2017: Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 51 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.985.295.383 đồng, trong đó:

 + Vi phạm về chất lượng: 10 cơ sở (trong đó 3 cơ sở vi phạm hàng giả về chất lượng);

 + Vi phạm về quảng cáo: 25 cơ sở phạt tiền 860.000 đồng

 + Vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm: 4 cơ sở;

 + Vi phạm về các hành vi khác: 12 cơ sở, trong đó có các cơ sở vi phạm từ 02 hành vi trở lên, cao nhất là vi phạm 10 hành vi.

 - Kết quả thực hiện Quyết định xử phạt: 50/51 Quyết định xử phạt được thực hiện.

 - Thu hồi 105 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tiêu huỷ 33 lô sản phẩm vi phạm; tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm vi phạm; chuyển Cơ quan điều tra đối với 4 Công ty có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.

 5 tháng đầu năm 2018: Cục An toàn thực phẩm đã xử lý:

 - Vi phạm về quảng cáo: 24 cơ sở

 - Tổng số tiền phạt: 1.200.000.000 đồng

 - Chuyển sang Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử 17 trường hợp có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo.  (Nguồn: Cục An toàn thực phẩm)

Hồng Ngọc - Kim Ngân - Kim Thoa