0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

02/07/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu
Một trong những nội dung mới của dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu đó là: Cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu
Thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu.
 
Nghị định được xây dựng nhằm mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức theo hướng doanh nghiệp chỉ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, các cơ quan chức năng và tổ chức chứng nhận sự phù hợp kiểm tra thông báo trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
 
Bên cạnh đó, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, chi phí lưu kho, bãi và thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.
 
Vai trò đầu mối của cơ quan hải quan được thể hiện qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia để tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
 
Thủ tục hải quan gắn với thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ hỗ trợ cơ quan hải quan trong việc đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính. Sự thay đổi này mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và xã hội.
 
Dự thảo Nghị định có quy định chi tiết về 22 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đây là sự kế thừa đầy đủ các trường hợp miễn kiểm tra theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra đã phát sinh trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hải quan.
 
Nghị định cũng mở rộng áp dụng các phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm trong kiểm tra chất lượng. Việc xác định phương thức kiểm tra cũng được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp với từng phương thức được thông báo. Đồng thời, tại dự thảo Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa đã nhập khẩu trước đó để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo...
 
Dự thảo Nghị định đã cắt giảm nhiều chứng từ trong hồ sơ kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm như: giảm được 6/10 chứng từ tổ chức, cá nhân phải nộp/xuất trình khi thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng; bỏ quy định nộp Bản sao Danh mục hàng hóa (Packing list) đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt của an toàn thực phẩm; đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra giảm thì chỉ những lô hàng phải kiểm tra mới phải nộp hồ sơ (thay vì như hiện nay là lô hàng nào cũng phải nộp đủ hồ sơ). Việc cắt giảm các chứng từ này giúp đơn giản và minh bạch hồ sơ, tránh tùy tiện trong quá trình thực hiện./
 
Thêm vào đó, Nghị định cũng đơn giản hóa trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố hợp, quy tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm. Quy định trình tự thủ tục kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra.
 
Hiện nay, hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong khi chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành lĩnh vực, các Hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng để tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ ban hành; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo việc vận hành khi Nghị định ban hành và có hiệu lực. 
Nguyễn Cúc