0908.326.779 - 0906.362.707
 

Công bố thông tin trước khi có kết luận kiểm tra: Khi quy định bị xem nhẹ

31/08/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Công bố thông tin trước khi có kết luận kiểm tra: Khi quy định bị xem nhẹ
Pháp luật quy định mọi thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, phải được bảo mật khi chưa có kết luận chính thức.

Thế nhưng có vẻ nguyên tắc này đang bị xem nhẹ, và nếu có thêm sự “tiếp tay thổi phồng” một cách thiếu cân nhắc của báo chí, sẽ gây ra những thiệt hại to lớn, thậm chí có thể “giết chết” một doanh nghiệp, một thương hiệu. Đó là vấn đề đặt ra qua hai vụ việc diễn ra gần đây ở quán cơm tấm Kiều Giang và chuỗi cửa hàng Con Cưng.

Luật quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc: Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ảnh: THÀNH HOA

Đâu là giới hạn trong công bố thông tin kiểm tra doanh nghiệp?

Hàng hóa, sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Để bảo đảm thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật quy định các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và quyền hạn thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ sơ sản xuất kinh doanh, xử lý, xử phạt khi phát hiện sai phạm.

Tuy nhiên, để tránh việc lạm quyền, tiêu cực hoặc làm oan, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (2010) quy định “hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử; bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức”. Không chỉ vậy, luật còn quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc: Không được sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, có thể thấy trong khi chưa có kết luận chính thức, mà cơ quan quản lý an toàn thực phẩm đã công khai thông tin là trái quy định pháp luật. Tiếp đó, qua sự “tiếp tay”, “nối dài” thiếu cơ sở pháp lý của báo chí, đã dẫn đến khả năng gây hiểu nhầm, thậm chí hoang mang cho rất nhiều người. Nhưng điều đáng nói hơn là những thông tin như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh số bán hàng của doanh nghiệp.

Trên thực tế, những tiêu cực, phiền nhiễu trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng tại doanh nghiệp, tuy không đánh đồng hết, nhưng có thể nói là đang ở trong một thực trạng đáng lo ngại. Từ nhiều năm qua, chưa bao giờ giảm bớt những ý kiến phản ánh, kêu thán từ các doanh nghiệp tại các diễn đàn.

Tình hình nghiêm trọng đến mức để giảm bớt thực trạng lạm quyền, tiêu cực từ các cơ quan nhà nước, ngày 17-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

1 lần/năm. Gần đây nhất, ngày 5-3-2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg, nêu rõ việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết và phải có quyết định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.

Trong số những nhũng nhiễu, phiền toái do việc thanh tra, kiểm tra gây ra cho doanh nghiệp, chắc chắn bao gồm cả việc làm lộ thông tin về thanh tra, kiểm tra một cách sai nguyên tắc, như nói ở trên.

Tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mang đặc điểm kinh tế thị trường; các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau và hoạt động theo quy định của pháp luật, theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng, thông qua việc bán sản phẩm, cung ứng dịch vụ là quan hệ dân sự. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, bồi thường thiệt hại, thậm chí có quyền khởi kiện ra tòa án. Trong khi đó, vai trò của Nhà nước chủ yếu là quản lý, chứ không phải là can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Mặt khác, pháp luật (Luật Sở hữu trí tuệ) từ lâu quy định doanh nghiệp có quyền và được bảo hộ về sáng chế, bí mật kinh doanh, như công thức pha chế, quy trình công nghệ... Chẳng hạn như đối với Coca-Cola, công thức của loại nước ngọt này đến nay vẫn là một bí mật. Không ai bên ngoài có quyền được biết và tiếp cận, kể cả cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, trong vụ việc như cơm tấm Kiều Giang, giả sử doanh nghiệp này bị phát hiện có những gói hàng “lạ” nào đó, mang tính bí mật (về công thức pha trộn, tẩm ướp) và không thể cung cấp ngay chứng từ, hóa đơn đầu vào, thì theo tôi, ngoại trừ trường hợp có sử dụng chất cấm, chất độc hại, việc bắt buộc phải có được nhãn mác, chứng từ theo kiểu thông thường, nếu không sẽ bị kết luận là sai phạm, có điều gì đó chưa thật sự hợp lý, phù hợp. Bởi lẽ, đối với mỗi sản phẩm, dù là giống nhau như phở chẳng hạn, để có hương vị riêng và tạo nên danh tiếng, hẳn chủ nhân phải có những bí quyết và không muốn tiết lộ. Phải chăng pháp luật vẫn còn những điểm “chênh” giữa các lĩnh vực, nội dung khác nhau, đòi hỏi cần phải hoàn thiện, quy định rõ ràng hơn?

Cũng đã tới lúc Chính phủ cần có những quy định chi tiết và cụ thể hơn về thẩm quyền, mức độ công bố, công khai thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, trong từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay những quy định này mới chỉ là “nguyên tắc”, chưa phải là điều cấm. Vì vậy, sẽ thiếu cơ sở pháp lý trong việc xử lý nghiêm những sai phạm, vi phạm từ phía cơ quan chức năng.

LS. Trần Hồng Phong