0908.326.779 - 0906.362.707
 

Công bố phù hợp an toàn thực phẩm kéo dài mất cơ hội kinh doanh của DN

27/02/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Công bố phù hợp an toàn thực phẩm kéo dài mất cơ hội kinh doanh của DN
Ngày 22/2, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc trong công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) cho sản phẩm thủy sản sản xuất để tiêu dùng nội địa

Thời gian kéo dài 

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, liên quan đến quá trình thực thi Luật ATTPNghị định 38/2012/NĐ-CP, trong 6 năm vừa qua song hành với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Nhà nước, một vấn đề bất cập vướng mắc ngày càng gia tăng liên quan đến quy định và thủ tục hành chính về công bố phù hợp quy định ATTP cho các sản phẩm sản xuất để tiêu dùng tại thị trường nội địa. 

Về thời gian làm hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP, theo Khoản 1, Điều 5, Chương II Thông tư số 19/2012/TT-BYTngày 9/11/2012 (Thông tư 19) về trình tự, hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP. Theo Khoản 4 Điều 4 Chương II Nghị định 38: “Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm”. Như vậy, nếu tính cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật (chưa tính ngày lễ), thời gian trả kết quả là khoảng 3 tuần. Nếu hồ sơ hợp lệ thì tính từ khi kiểm nghiệm đến khi nhận được Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP (Giấy xác nhận) mất khoảng 1 tháng. 

Như vậy, doanh nghiệp phải chờ ít nhất 1 tháng mới được bán hàng ra thị trường. Trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh như hiện nay, thời gian chờ đợi 1 tháng là rất lâu, dẫn đến nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi được nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 Theo quy định trên, thời gian công bố hồ sơ mất 1 tháng, trong khi thời gian đợi Sở Y tế các tỉnh thành xét duyệt và cấp Giấy xác nhận mất đến 21 ngày. Nhưng thực tế hiện nay, thời gian để doanh nghiệp làm thủ tục cấp Giấy xác nhận không chỉ là 1 tháng như qui định trên, mà thông thường còn mất gấp đôi hoặc thậm chí nhiều hơn thời gian quy định. Bởi vì, sau khi đã chờ đợi đến 21 ngày, trong rất nhiều trường hợp doanh nghiệp lại nhận được thông báo là hồ sơ không đạt, yêu cầu doanh nghiệp nhận lại hồ sơ và văn bản thông báo không đạt để về sửa lại. Sau đó, doanh nghiệp lại tiếp tục nộp hồ sơ và được tính lại từ đầu là 15 ngày làm việc. 

Hiện nay, quy định của Bộ Y tế về thời gian cấp Giấy xác nhận là 15 ngày làm việc, trong khi hiện tại thời gian để các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ NN&PTNT cấp các giấy Chứng nhận chỉ là 1 – 3 ngày làm việc.

Từ thực tế trên, VASEP kiến nghị Bộ Y tế chủ trì đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về thời gian cấp Giấy xác nhận giảm xuống 3 ngày làm việc (tương đương với thời gian để kiểm tra hồ sơ, cấp các giấy chứng nhận). Đồng thời, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thành khi tiếp nhận hồ sơ có thể kiểm tra sơ bộ hồ sơ và hướng dẫn ngay cho doanh nghiệp nếu phát hiện có thiếu sót, để tránh tình trạng doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu. 

Mỗi nơi một kiểu

Theo ông Trương Đình Hòe, thời gian gia hạn hồ sơ và cách thực thi không thống nhất cũng khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn. Theo khoản 1, 2, 3, 4 Điều 8 Chương II Nghị định 38 và theo khoản 1 Điều 9 chương II Thông tư 19: Nếu hồ sơ công bố hết hạn và sản phẩm không thay đổi về quy trình sản xuất thì doanh nghiệp tiến hành gia hạn lại hồ sơ (định kỳ 5 năm đối với các doanh nghiệp đã có hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương). 

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay việc thực hiện tại các Chi cục vệ An toàn sinh thực phẩm lại khác nhau. Chi cục thuộc Sở Y tế TP.HCM không chấp nhận việc gia hạn hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp tiến hành công bố lại hồ sơ như một mặt hàng chưa được công bố. 

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề này, Chi cục An toàn sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, nguyên nhân là do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) chưa có hướng dẫn, cam kết sẽ có ý kiến gửi đến lãnh đạo của Cục An toàn Thực phẩm nhưng chưa biết khi nào có câu trả lời. Trong khi đó, hiện nay Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Thuận lại cho phép gia hạn theo đúng quy định pháp luật chứ không bắt buộc làm thủ tục công bố mới. 

Việc yêu cầu công bố mới đối với các sản phẩm gia hạn lại gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp về thời gian và chi phí. Nếu thay đổi lại bộ hồ sơ công bố thì số của Giấy xác nhận do chi cục cấp là số mới nên nhãn phải thay đổi. Do đó, doanh nghiệp phải bỏ nhãn cũ, in lại nhãn mới, tốn kém thêm chi phí và mất thêm thời gian. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải giải quyết thêm nhiều vấn đề liên quan đến hàng tồn kho (đã đóng bao bì từ trước) và sản phẩm đang bán trên thị trường chưa tiêu thụ hết.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VASEP kiến nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính thức về vấn để này đến các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố để thống nhất cho phép gia hạn lại hồ sơ khi hồ sơ hết hạn; Bộ Y tế chủ trì để đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định để giảm thời gian trả kết quả gia hạn hồ sơ công bố chỉ còn trong vòng 3 ngày làm việc./.

Lê Thu