0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chế tài mới, cách làm có mới?

05/11/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Chế tài mới, cách làm có mới?
Nghị định số 115/2018/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP), có hiệu lực từ ngày 20-10. Tuy nhiên, trước thực trạng vi phạm ATTP diễn biến ngày một phức tạp, khó quản lý, đặc biệt là đối với thức ăn đường phố, liệu rằng quy định tăng mức phạt có khả thi?
Mạnh tay xử phạt
 
Ghi nhận thực tế của phóng viên, sau hơn 10 ngày áp dụng theo Nghị định 115/2018/NÐ-CP có hiệu lực, thì ở nhiều con đường, tuyến phố và các chợ, hàng quán tại Hà Nội, việc thực hiện các quy định vẫn còn lỏng lẻo. Có những người bán hàng, đầu bếp thực hiện các quy định về việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm, nhưng cũng còn rất nhiều người vẫn hồn nhiên theo thói quen "tay không" phục vụ khách. Không khó để bắt gặp cảnh người bán hàng chế biến thực phẩm như chiên rán, nướng thịt, cá ngay trên vỉa hè đầy khói bụi.
 
Khảo sát tại nhiều hộ kinh doanh thức ăn đường phố ở chợ Châu Long, nhiều hộ cho hay, về quy định xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh ATTP mới chưa được nắm rõ. Tại các quán ăn dọc phố Triệu Việt Vương, nhiều người bán hàng vẫn mập mờ với những quy định mới. Chị Nguyễn Thị Ngọc, bán hàng ăn ở phố Yên Phụ (Hà Nội) dù khi lấy thực phẩm cho khách, đã đeo găng tay ni-lông cẩn thận, song những miếng đậu rán vàng vẫn được phơi giữa không gian nhiều bụi bẩn. Chị Ngọc tỏ ra khá bất ngờ về mức xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng cho các hành vi không che đậy thức ăn. "Buôn bán cả ngày, tiền vốn lẫn lãi có hôm chả đủ 1 triệu đồng, giờ phạt nữa biết làm sao? Thôi thì đã là quy định, mình cố gắng chấp hành vậy" - 
chị nói.
 
Theo báo cáo đầu năm 2018, toàn TP Hà Nội có hơn 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có hơn 5.200 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Sở Y tế Hà Nội cho biết, hằng năm sở phối hợp với các đơn vị tiến hành thanh, kiểm tra thức ăn đường phố. Mặc dù vậy, việc quản lý gặp nhiều khó khăn do tính di động của loại hình này và cũng bởi quá nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc xử phạt những cơ sở vi phạm sẽ phải thực hiện theo quy định nhưng để thuận lợi, trước mắt, người kinh doanh sẽ được tuyên truyền, nhắc nhở. "Khi áp dụng xử phạt theo quy định mới chúng tôi vẫn phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở ban đầu chứ không thể phạt ngay. Chỉ những người cố tình vi phạm mới bị xử phạt nặng để răn đe", ông nói.
 
Cũng như vậy, thông tin từ nhiều địa phương khác của Hà Nội cho biết việc xử phạt theo Nghị định mới sẽ tuyên truyền nhắc nhở trước, xử phạt sau để bảo đảm người dân không bị bất ngờ. Theo một cán bộ ATTP tuyến quận, thì đối với các hành vi như không đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc thực phẩm, trước giờ chủ yếu chỉ xử phạt các cơ sở có địa điểm kinh doanh cố định, chưa phạt được hàng rong. Bây giờ đã có quy định phạt hàng rong, song do những người bán hàng rong không buôn bán cố định nên rất khó xử phạt. "Xử phạt những người buôn bán nhỏ lẻ, ít vốn không khó. Nhưng thực tế khi phạt có trường hợp lập biên bản kiểm tra ngày hôm nay, thì hôm sau người bán có thể chuyển sang địa bàn khác bán. Khi mức phạt quá cao, người buôn bán nhỏ chấp nhận bị tịch thu phương tiện và trốn không đóng phạt", vị cán bộ ATTP cho biết.
 
Không thể bỏ ngỏ quản lý
 
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Nghị định 115/2018/NÐ-CP trong vấn đề vệ sinh ATTP có mức phạt lớn hơn, hành vi rõ ràng và sát với thực tế hơn so với các Nghị định trước đó. Do đó, Nghị định có thể góp phần thúc đẩy các hàng quán bán thức ăn đường phố phải nỗ lực hoàn thiện về các điều kiện vệ sinh ATTP.
 
Tuy nhiên, đề cập tính khả thi của quy định mới, nhất là khi cả nước có hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, có ý kiến cho rằng với số tiền phạt khá lớn nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm sẽ tìm mọi cách đối phó. Do đó nếu lực lượng chức năng không tăng cường nhân lực, thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì khi thực hiện khó khả thi và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng như từng xảy ra với các quy định trước đây.
 
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục ATTP - Bộ Y tế lý giải, trước đây, lực lượng kiểm tra chuyên ngành về ATTP còn thiếu và yếu nên việc bảo đảm ATTP chủ yếu là vận động, tuyên truyền, nhắc nhở các cá nhân, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm tự giác chấp hành. Hiện nay, nhiều địa phương đã thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tới cấp xã, phường nên nếu làm quyết liệt sẽ thực hiện được hiệu quả. Ông Trần Văn Châu, Trưởng Phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP bày tỏ quan điểm: Ðể đưa loại hình kinh doanh dịch vụ này vào khuôn khổ là không hề đơn giản, song không vì thế mà bỏ ngỏ việc quản lý. Theo ông Châu, để người dân hiểu và thực hiện các quy định về kinh doanh ATTP, trước hết cần tuyên truyền, vận động người bán hàng tuân thủ quy định, sau đó là vận động người tiêu dùng có ý thức "tẩy chay" thực phẩm bẩn. "Việc Nghị định mới loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định phạt tiền sẽ có sức răn đe mạnh mẽ hơn. Nếu người bán không muốn bị xử phạt thì họ phải bổ sung những điều kiện mình thiếu để tránh bị phạt", ông Châu nhấn mạnh.
 
Thực tế cho thấy, việc chỉ tăng mức phạt tiền thôi là chưa đủ, vấn đề này liên quan nhiều đến ý thức, trách nhiệm của người bán hàng nên cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết rõ để không vi phạm. Bởi cũng trên thực tế đã có nhiều quy định được ban hành nhưng không được thực hiện triệt để, chỉ dừng lại ở quy định rồi lãng quên, như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, rất nhiều người vẫn hút thuốc lá tại nơi công cộng, công sở nhưng rất ít người bị phạt. Ðiều quan trọng nữa là cần tạo ra một xã hội thông thái, có phương pháp vận động sao cho người tiêu dùng thông minh, cùng Nhà nước tẩy chay thực phẩm bẩn, cũng như trang bị cho họ kiến thức để chống lại thực phẩm bẩn.
 
Trước khi ban hành Nghị định số 115/2018/NÐ-CP, cũng đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vệ sinh ATTP. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta không thể cứ tiếp tục để người bán hàng theo thói quen không bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP như bấy lâu nay. Hy vọng, với Nghị định mới khi đi vào cuộc sống sẽ sớm và dần thay đổi hành vi của người bán hàng, có lương tâm, trách nhiệm trước sức khỏe cộng đồng, để thức ăn đường phố ngày một an toàn, sạch hơn 
Hải Anh