0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cấp thiết phát triển cơ sở giết mổ công nghiệp

28/08/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Cấp thiết phát triển cơ sở giết mổ công nghiệp
Hiện nay, do tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ diễn ra phổ biến, phức tạp ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội nên việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gặp không ít khó khăn. Để từng bước khắc phục vấn đề này, chủ trương của thành phố là tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư, tập trung phát triển các cơ sở giết mổ công nghiệp, bảo đảm nguồn thịt sạch cung cấp cho thị trường.
Có 1.048 cơ sở giết mổ quy mô nhỏ lẻ, thủ công

Cứ vào khoảng 3h sáng hằng ngày, cả làng Mỹ Hạ và Mỹ Thượng (xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ) lại náo động bởi tiếng lợn kêu inh ỏi trong các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ. Nói về việc này, Chủ tịch UBND xã Hữu Văn Phùng Xuân Toàn cho biết, giết mổ gia súc là nghề truyền thống từ lâu đời, toàn xã hiện có 29 hộ giết mổ, công suất phổ biến ở mức 25-30 con/ngày. Từ nghề này mà trong làng, ngoài đồng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dọc các con đường, kênh mương, ao quanh làng đều lênh láng nước thải, phân gia súc, phụ phẩm động vật. Vì vậy, mới đây Chi cục Thú y Hà Nội đã kiểm tra, phạt cảnh cáo một số cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn xã.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong, UBND thị xã đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với 6 cơ sở giết mổ lợn, gây ô nhiễm môi trường tại ngõ 1 Nguyễn Thái Học (phường Quang Trung) và tổ 4 Mai Trai (phường Trung Hưng). Qua kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở về hành vi “không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định” và “xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải”, với tổng số tiền gần 81 triệu đồng.

Nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, giết mổ quy mô nhỏ lẻ, thủ công 1.048 cơ sở; giết mổ quy mô bán công nghiệp 15 cơ sở; giết mổ công nghiệp 7 cơ sở. Tuy nhiên, mới chỉ có 168 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh. 

Kiểm tra về hoạt động giết mổ trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2018 tới nay tại các huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Gia Lâm… cho thấy, hầu hết các điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư không có đăng ký kinh doanh, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Không ít hộ đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau khi nộp phạt thì “đâu lại vào đấy”...

Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để đưa hoạt động này đi vào nền nếp, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai) kiến nghị, các quận, huyện cần tổ chức kiểm tra, rà soát, thông báo yêu cầu chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ xung quanh các nhà máy giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đã được đầu tư. 

Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm việc cấm giết mổ động vật trong khu vực nội thành và những nơi tập trung đông dân cư; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về ngăn ngừa dịch bệnh động vật, tiến tới định hướng người dân thay đổi thói quen tiêu dùng "tiện đâu mua đó" và chuyển dần sang sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần phối hợp kiểm tra liên ngành hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, kinh doanh trái quy định...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhận định: Trước thực tế bức xúc kể trên, việc xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến là yêu cầu cấp thiết. Khi đó, thành phố mới có thể quản lý và ngăn ngừa hiệu quả việc lây lan dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

"Để thực hiện hiệu quả việc này, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy giết mổ tập trung phát triển, dần thay thế tình trạng giết mổ nhỏ lẻ hiện nay. Các sở, ngành chức năng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện tốt chủ trương chung là xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo hướng tháo gỡ khó khăn, phát triển ổn định. 

Đơn cử như giải quyết tốt các vấn đề về đất đai, quy hoạch tập trung ở một số huyện như: Đông Anh, Mê Linh, Ứng Hòa, Gia Lâm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Chương Mỹ... Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan triển khai hỗ trợ về chi phí giết mổ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung" - ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh
Bạch Thanh