0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cần sự phối hợp của người dân

09/08/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Cần sự phối hợp của người dân
Thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp. Hàng giả không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng, mà còn gây thất thoát nghiêm trọng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Để xử lý vấn nạn hàng giả, các ngành chức năng rất cần sự phối hợp từ người dân.

Nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả

 

Tại Phú Yên, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 11 vụ. Tiêu biểu là vụ việc phát hiện một cơ sở thu mua rắn nước, đẳng sâm, phẩm màu không rõ nguồn gốc để làm giả rượu rắn hổ mang vào năm 2015 tại huyện Đông Hòa. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tiêu hủy toàn bộ số hàng trên. Năm 2016, Đội quản lý thị trường số 10 (huyện Tây Hòa) bắt quả tang một cơ sở sản xuất rượu ngoại giả các nhãn hiệu Chivas, Wall Street, Ballantines… với số lượng lớn. Cơ sở này đã mua vỏ chai, hộp, tem chống giả của các hãng rượu trên từ TP Hồ Chí Minh về tự pha chế, sử dụng rượu, hương liệu, phẩm màu trôi nổi đóng chai mang đi tiêu thụ. Toàn bộ số rượu trên đã bị tịch thu và tiêu hủy; chủ cơ sở sản xuất cũng bị truy tố trước pháp luật. Còn mới đây, tại huyện Phú Hòa, công an phối hợp lực lượng quản lý thị trường bắt quả tang ông Lê Trọng Bính, trú thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, sản xuất nhiều loại mỹ phẩm khi không có giấy phép sản xuất. Cơ sở của ông Bính đã sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để pha chế thành nhiều loại mỹ phẩm. Đoàn kiểm tra đã thống kê được 57 loại mỹ phẩm, với trên 5.000 sản phẩm như son môi, kem tắm trắng, kem dưỡng da, tan mỡ, thuốc nở ngực, giảm cân… Cơ sở này không có giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm… Bước đầu, chủ cơ sở cho biết sản xuất mỹ phẩm để tiêu thụ trên địa bàn, chủ yếu là cung cấp cho những người bán hàng qua mạng.

 

Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả đang ngày càng phức tạp và có xu hướng phát triển mạnh, tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thực phẩm chức năng, rượu, bia, nước giải khát… Các đối tượng sử dụng nguyên, phụ liệu trôi nổi giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc rồi tự pha trộn, sản xuất, đóng gói và dán nhãn để nhái sản phẩm có thương hiệu. Các sản phẩm này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính, gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

 

Lực lượng quản lý thị trường xử lý một vụ sản xuất rượu giả - Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Cần người dân góp sức

 

Theo Chi cục Quản lý thị trường, những năm qua, số vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng về số vụ và quy mô, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Đối tượng vi phạm thường hoạt động ở những khu vực nông thôn, miền núi để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, đồng thời sử dụng nhãn mác, hộp và cả tem chống giả để đánh lừa người tiêu dùng. Việc làm giả rất tinh vi, rất khó nhận biết nên ai cũng có thể trở thành nạn nhân của nạn hàng giả. Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động thông tin, tố giác những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả để tự bảo vệ mình cũng như làm trong sạch thị trường.

 

Ông Huỳnh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết: Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường khá mỏng, địa bàn quản lý rộng nên rất khó kiểm soát toàn diện, rộng khắp. Thực tế có rất nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả phát hiện và xử lý được đều nhờ vào thông tin tố giác của người dân. Do vậy, Ban chỉ đạo 389 tỉnh không ngừng xây dựng, duy trì hoạt động mạng lưới tin báo, tố giác hành vi vi phạm để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái. Các ngành chức năng luôn động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia tố giác những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả để cùng các cơ quan nhà nước chung tay đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái. Ban chỉ đạo 389 cũng có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng để khuyến khích các cá nhân tăng cường tố giác, thông tin về các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, đồng thời có chế độ bảo mật để bảo vệ người cung cấp thông tin.

 

Những thông tin tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả được thông báo cho Ban chỉ đạo 389 theo đường dây nóng 0911.361.389 hoặc gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường và các đội trưởng đội quản lý thị trường ở các địa phương. Việc người dân chung tay tố giác hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là rất cấp thiết, góp phần làm trong sạch thị trường hàng hóa, cũng như giúp mỗi người tự bảo vệ mình khỏi vấn nạn hàng giả.
NGÔ XUÂN