0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cần giải pháp hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ

27/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Cần giải pháp hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, đặc biệt trong hoạt động đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam hiệu quả chưa thật cao, các vụ xâm phạm quyền SHTT còn nhiều.

Phần lớn là xử phạt hành chính

Thống kê của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ-KH&CN) cho biết, giai đoạn 2006-2016, Cục SHTT tiếp nhận 403.914 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN), cấp 231.765 văn bản bảo hộ SHCN; tiếp nhận 11.349 đơn khiếu nại liên quan đến SHCN và tiến hành xử lý 6.475 đơn. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng quản lý thị trường cả nước tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 179.857 vụ có liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT với tổng số tiền phạt hơn 591,7 triệu đồng.

Cần giải pháp hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Không gian làm việc chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại tòa nhà VPBank Tower, Hà Nội. Ảnh: VIỆT ANH

Hiện nay, việc vi phạm quyền SHTT có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 5 tỷ đồng và phạt tù tới 3 năm. Tuy nhiên, nhìn chung, quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT còn chồng chéo, trùng lặp trong nhiều văn bản, dẫn đến có nhiều cơ quan thực thi áp dụng luật khác nhau đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các quy định về SHTT còn mang nặng tính nguyên tắc chung mà thiếu tính cụ thể, chi tiết, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế. “Chúng ta có một hệ thống nhiều cơ quan thực thi quyền SHTT như thanh tra các Bộ: KH&CN; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; rồi Cục SHTT; Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương); Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VHTT&DL). Khi quá nhiều đầu mối dẫn đến doanh nghiệp không biết phải trông cậy vào đâu. Mặt khác, tâm lý của các chủ quyền SHTT là cá nhân hay doanh nghiệp rất ngại ra tòa. Do đó, họ chủ yếu dựa vào các cơ quan thực thi hành chính Nhà nước thực hiện các biện pháp hành chính”, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục SHTT phân tích.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải đối diện với những rủi ro rất lớn khi cố ý xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt trong vấn đề sử dụng phần mềm không phải bản quyền. Trong năm 2017, Thanh tra Bộ VHTT&DL xử phạt số tiền 1,65 tỷ đồng với 54 doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm và từ đầu năm 2018 tới nay, con số này là 750 triệu đồng đối với 26 doanh nghiệp. Ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: "Doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm có nguy cơ bị tấn công bằng mã độc (phần mềm độc hại), do không được cập nhật các giải pháp chống mã độc. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá vì sự mạo hiểm này. Trung bình cứ 7 phút một lần, các tổ chức phải hứng chịu một hình thức tấn công bằng mã độc".

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) là thực thi quyền SHTT. Do đó, việc tôn trọng quyền của chủ sở hữu sáng chế; quyền tác giả cần được bảo đảm để doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập. Nếu không tuân thủ luật chơi, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị bỏ rơi và tụt hậu.

Xem xét sửa đổi luật phù hợp với thực tế

Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN: Đến nay, Việt Nam đã chuẩn bị được hành lang pháp lý để thực thi quyền SHTT tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, công tác này cũng còn gặp một số khó khăn cần khắc phục, như: Cơ chế, chế tài xử phạt chưa được thực hiện nghiêm, chưa đủ sức răn đe; chức năng thực thi quyền SHTT còn chồng chéo; công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh... Từ đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: "Cần rà soát cơ chế chính sách, đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật SHTT để phù hợp với tình hình mới; tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, có trọng tâm, trọng điểm và có quy chế phối hợp; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin qua mạng; tăng cường công tác kiểm tra tại các địa phương…".

Ông Gary Gan đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp Việt Nam: Cần nâng cao ý thức trong thực thi quyền SHTT, xem xét những hiệp định FTA thế hệ mới để biết cần phải làm gì có thể bảo vệ mình tốt hơn. "Nhiều quốc gia đã thay đổi luật liên quan đến SHTT để bảo vệ mình tốt hơn, không chỉ do bắt buộc phải tuân thủ các hiệp định FTA. Ví dụ, Hàn Quốc, khoảng 10-15 năm trước, tỷ lệ vi phạm rất lớn không chỉ ở phần mềm mà còn cả hàng giả, hàng nhái. Nhờ thực thi nghiêm quyền SHTT, họ đã giảm được tỷ lệ vi phạm, đồng thời xuất khẩu rất nhiều sản phẩm và dịch vụ liên quan đến SHTT”, ông Gary Gan nói.

Được biết, Chính phủ giao cho Bộ KH&CN xây dựng chiến lược SHTT quốc gia. Chiến lược này đề ra mục tiêu, cách thức, giải pháp để góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phục vụ lĩnh vực SHTT nói riêng. Đồng thời, Việt Nam cũng hợp tác với nhiều nước phát triển trong lĩnh vực SHTT để trao đổi kinh nghiệm trong thúc đẩy khai thác sáng chế, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ; hỗ trợ đào tạo cán bộ và chia sẻ kết quả thẩm định sáng chế…

LA DUY