0908.326.779 - 0906.362.707
 

Bộ Y tế hiến kế giảm hơn 90% lô hàng thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành

02/10/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Bộ Y tế hiến kế giảm hơn 90% lô hàng thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết Bộ Y tế có nhiều kiến nghị để vừa thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu thực hiện sẽ giảm được hơn 90% lô hàng thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Hội đồng khoa học cũng được kiến nghị thành lập để đánh giá chất lượng sản phẩm.

Phải xử lý hình sự với những vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng

Thưa ông, hiện nay việc quản lý ATTP được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Hiện nay Luật an toàn thực phẩm giao 3 Bộ cùng quản lý, gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng; Bộ Công thương 8 nhóm ngành hàng và Bộ Y tế 6 nhóm ngành hàng (thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm).

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngày giờ hồ sơ đến, trả kết quả... đều thể hiện rõ ràng trên hệ thống. Các hồ sơ đạt chất lượng đều được trả ngay, trước cả kỳ hạn phải trả. Ảnh: H.Hải
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngày giờ hồ sơ đến, trả kết quả... đều thể hiện rõ ràng trên hệ thống. Các hồ sơ đạt chất lượng đều được trả ngay, trước cả kỳ hạn phải trả. Ảnh: H.Hải

Theo nghị định 38 hướng dẫn chi tiết quy định Luật An toàn thực phẩm, quy định các sản phẩm thực phẩm khi nhập về Việt Nam đều phải có thông báo đạt chất lượng mới được thông quan.

Bộ Y tế, Bộ Công thương đã chỉ định 15 đơn vị phục vụ việc kiểm tra chuyên ngành này, trong đó có 3 đơn vị của Bộ Khoa học công nghệ, 2 đơn vị thuộc công ty cổ phần theo chủ trương xã hội hóa của chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế kiểm tra trong năm 2016 cho thấy, số lô hàng chỉ kiểm tra hồ sơ chiếm trên 90% số lô hàng phải kiểm tra nhập về. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế giao ban soạn thảo đề xuất sửa nghị định theo hướng, với những sản phẩm thực phẩm sau 3 lần kiểm tra đạt, lần 4 miễn kiểm tra.

Chủ trương này cần được sự đồng tình Bộ công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì số nhóm hàng Bộ Y tế quản lý chỉ là 6 nhóm hàng.

Như ông nói, việc đề xuất sửa đổi này sẽ tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp trong cấp phép an toàn thực phẩm. Vậy Bộ Y tế sẽ có cơ chế gì để vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Hiện nay, các hồ sơ công bố đơn giản hơn, thời gian công bố cũng rút ngắn hơn trước. Ví dụ những hồ sơ đến hạn 16/10 mới trả, nhưng Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện trả hết từ 30/9 (với những hồ sơ đạt kết quả).

Khi thủ tục đã thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong cấp phép, phần hậu kiểm phải làm rất quyết liệt mới đảm bảo được an toàn thực phẩm.

Chắc chắn, công tác hậu kiểm sẽ được tăng cường. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo các bộ tăng cường nguồn lực cho hậu kiểm. Hiện ngành y tế có hơn 400 thanh tra chuyên ngành là con số quá ít (trong khi đó Nhật Bản có 12.000 thanh tra chuyên ngành, Bắc Kinh có 5.000 thanh tra với 23 triệu dân) để thực hiện được công tác hậu kiểm. Vì thế, cần phải đầu tư thêm và có sự hỗ trợ của cả lực lượng quản lý thị trường.

Đặc biệt, cần phải sửa nghị định 178 xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó, sẽ cần phải tăng mức phạt, thậm chí rút giấy phép và xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Nếu không có hình thức xử phạt nghiêm minh, xứng đáng, chỉ phạt hành chính rồi tồn tại lâu dần sẽ nhờn luật.

Lập hội đồng khoa học đảm bảo khách quan đánh giá chất lượng sản phẩm

Xin ông cho biết, vấn đề công bố thực phẩm Bộ Y tế đề xuất theo hướng nào?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ y tế, chúng tôi đề xuất tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và vẫn phải làm để đảm bảo sức khỏe của người dân.

Cụ thể, với những nhóm hàng thực phẩm thông thường như bánh kẹo, nước giải khát, đóng chai, nước uống thiên nhiên, sản phẩm đóng hộp… thì doanh nghiệp tự công bố chất lượn. Tất cả các chỉ số về an toàn kim loại nặng, nấm men, nấm mốc, vi sinh, chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm… đều phải tuân thủ theo quy định đã ban hành.

Sau khi doanh nghiệp gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý chuyên ngành thông báo tự công bố, dự kiến sau 7 ngày làm việc nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp coi như đã công bố, tự sản xuất còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là hậu kiểm xem công bố có đúng với thực tế sản xuất hay không.

Còn với nhòm thực phẩm đặc biệt như thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng trẻ em, phụ gia thực phẩm vẫn phải quản lý chặt chẽ như hiện nay. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đưa kiến nghị sản xuất chặt hơn, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” doanh nghiệp làm ăn cẩu thả ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp chất lượng.

Ban soạn thảo cũng tham mưu lãnh đạo Bộ đề đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tiếp quản quản lý các sản phẩm thuộc 2 bộ quản lý. Việc này sẽ giúp giảm tải cho ngành y tế trên 70%.

Còn với nhóm hàng có ảnh hưởng tới sức khỏe con người, Bộ Y tế có đề xuất gì để quản lý chặt chẽ, tránh hiện tượng như phản ánh “muốn công dụng gì cũng có”, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Với nhóm thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng, tôi đề xuất cần phải có hội đồng khoa học duyệt, dứt khoát không thể dựa vào tài liệu để đánh giá, cấp phép bởi đây là những sản phẩm tác động đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hội đồng khoa học đánh giá từng sản phẩm- và đưa ra ý kiến mang tính khách quan. Cơ quan quản lý là người đưa ra quyết định cấp phép trên ý kiến của Hội đồng khoa học chứ không nhìn trên hồ sơ để đánh giá.

Hiện cả nước có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, mỗi năm thêm vài nghìn sản phẩm mới. Nếu không quản lý quyết liệt sẽ rất khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hải