0908.326.779 - 0906.362.707
 

Ba lỗ hổng cần lấp để sản phẩm nghiên cứu ra thị trường

19/11/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Ba lỗ hổng cần lấp để sản phẩm nghiên cứu ra thị trường
Công nghệ, thương mại hóa và quyền sở hữu trí tuệ là những bài toán cần làm rõ để doanh nghiệp bắt tay nhà khoa học

Ngày 16/11, Học Viện khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức diễn đàn "Kết nối đào tạo, nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp".

Các tham luận của diễn giả ở cả góc độ quản lý khoa học, người nghiên cứu và doanh nghiệp đều chỉ rõ những điểm còn yếu và những giải pháp cụ thể với mong muốn ngày càng nhiều sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa.

Máy in 3D được các nhà khoa học VAST thiết kế, chế tạo. Ảnh: BN.

Máy in 3D được các nhà khoa học VAST thiết kế, chế tạo. Ảnh: BN.

Từng bắt tay với các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu (thuộc VAST) chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC sản xuất thực phẩm chức năng bán ra thị trường, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI chỉ ra nhiều điểm đáng lưu tâm trong hoạt động kết nối nghiên cứu và thương mại. Trong đó có ba lỗ hổng cần được lấp đầy.

Theo ông Hiệu, điểm nhìn thấy rõ nhất, nếu các nghiên cứu phục vụ đúng nhu cầu thực tế đang cần thì chắc chắn được đón nhận nhanh. 

Ở điểm này ông Hiệu cho là lỗ hổng đầu tiên - khám phá công nghệ. Chính lỗ hổng này đang cản trở việc đánh giá tính khả thi thương mại của những khám phá khoa học tiên tiến. 

Để khắc phục, vị đại diện doanh nghiệp gợi ý các trường đại học, viện nghiên cứu cần chuyển đổi các khái niệm và thuật ngữ khoa học thành ngôn ngữ thông thường. Sẵn sàng chuyển hóa các kết quả nghiên cứu bằng sáng chế, tung sản phẩm ra thị trường.

Ở lỗ hổng thứ hai - thương mại hóa, nằm giữa cơ hội kinh doanh khả thi và một doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Ở điểm này, ông Hiệu gợi ý các nhà khoa học minh bạch thông tin nhiều hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Ở điểm cuối cùng, khi kế hoạch khả thi cho việc dùng kết quả nghiên cứu để khởi động một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các thách thức liên quan đến việc thành lập và tài trợ của doanh nghiệp. 

Lỗ hổng này chỉ có thể được khắc phục khi quyền sở hữu công nghệ được bảo hộ, một đội ngũ quản lý dày dạn kinh nghiệm cam kết khởi nghiệp và nguồn tài trợ hạt giống được bảo đảm. 

"Nếu không có tất cả ba yếu tố trên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không thể cam kết tài trợ cho sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Hiệu nói. Một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay có hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, sau khi hoàn tất được cất vào ngăn kéo, trong khi đó, các doanh nghiệp đang đau đáu đi tìm những công trình này để biến thành những sản phẩm có thể thương mại hóa, mang lại giá trị cho cộng đồng. 

Cơ chế và luật chơi - điểm cốt lõi

Đến thời điểm này, VAST là viện nghiên cứu dẫn đầu cả nước về số bằng sở hữu trí tuệ, số công bố quốc tế và đã có hàng trăm các sản phẩm được thương mại hóa. 

Riêng năm 2017, các sản phẩm nổi bật được chuyển giao như: Công nghệ chế tạo màng bao gói gây ức chế tác nhân gây hư hỏng, kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm; máy Plasma lạnh chữa lành vết thương hở, máy lọc nước GFLife nguyên khoáng, máy kiểm tra chất lượng vàng, bạc... Nhiều chế phẩm nano phục vụ trong nông nghiệp, nghiên cứu về vũ trụ, địa chất, tài nguyên sinh vật, an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin... đã được ứng dụng vào thực tiễn.

Tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng cần thêm nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu giới thiệu kết quả nghiên cứu tại sự kiện trình diễn kết nối cung - cầu 2018. Ảnh: TH.

Các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu giới thiệu kết quả nghiên cứu tại sự kiện trình diễn kết nối cung - cầu 2018. Ảnh: TH.

TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Phát triển, VAST đề xuất, xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ứng dụng và triển khai công nghệ ở ba giai đoạn khác nhau (phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ).

Thí điểm triển khai thực hiện các phòng thí nghiệm liên kết giữa viện chuyên ngành và doanh nghiệp công nghệ để phục vụ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ theo đặt hàng.

Xây dựng quy chế quản lý tài sản trí tuệ, xác lập rõ quyền và khai thác thương mại hiệu quả các tài sản trí tuệ được tạo ra trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các đơn vị và cá nhân. 

Nếu khâu xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ rõ, không chỉ nhà khoa học có động lực trong nghiên cứu mà các viện cũng có thêm nguồn thu bổ sung kinh phí để phát triển quay vòng nghiên cứu.

Ông Hiệu thì cho rằng, muốn có thị trường công nghệ phải có luật chơi, quy định ràng buộc và luật hoá quyền và trách nhiệm của người mua (doanh nghiệp), người bán (các tổ chức nghiên cứu khoa học và nhà khoa học) và cơ quan điều tiết thị trường (cơ quan quản lý bằng các cơ chế được luật hóa)

Bích Ngọc