0908.326.779 - 0906.362.707
 

An toàn thực phẩm - Nhìn từ ý thức người kinh doanh thức ăn đường phố

29/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
An toàn thực phẩm - Nhìn từ ý thức người kinh doanh thức ăn đường phố
Từ lâu, thức ăn đường phố đã trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực của người dân, nhất là ở khu vực đô thị. Với mức thu nhập khác nhau, người dân có thể lựa chọn các hàng quán khác nhau để đáp ứng nhu cầu “nạp năng lượng”. Vậy thức ăn đường phố có bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Chắc chắn câu trả lời phụ thuộc vào ý thức, hành vi và lương tâm của người chế biến, kinh doanh thực phẩm đường phố.

Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay, được bán rong trên đường phố hay tại những địa điểm công cộng như bến xe, khu du lịch, khu lễ hội hoặc ở những nơi tương tự. Theo số liệu thống kê, ngành Y tế hiện quản lý hơn 3.600 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, bao gồm hơn 3.400 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có gần 800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Bên cạnh sự tiện lợi, giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân thì dịch vụ này còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và mất mỹ quan đô thị.

Chị Ngọc - một người bán hàng ăn sẵn buổi chiều trên đường Nguyễn Cao (Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Để chuẩn bị hàng bán buổi chiều tôi phải lựa hàng từ sáng sớm. Với quan điểm là nhà mình ăn như thế nào thì mình làm cho khách như vậy nên mặc dù chỉ là một quầy hàng nhỏ nhưng có nhiều khách tìm đến, trong đó hầu hết là các khách quen. Mình nghĩ là kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhưng không vì lợi nhuận mà làm trái với lương tâm của mình, vì vậy mình rất chú ý đến bảo đảm vệ sinh trong chế biến. Khách thì yên tâm mà mình lại thanh thản”. Vậy nhưng không phải ai cũng có ý thức tốt như vậy, và đương nhiên, người tiêu dùng thông thái luôn phải nhìn cả hành vi để đánh giá thực phẩm có bảo đảm không chứ không chỉ nghe họ “quảng cáo”.

 

 

Thức ăn đường phố có an toàn vệ sinh hay không phụ thuộc ý thức người kinh doanh, chế biến. Ảnh: Một cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại thị trấn Chờ (Yên Phong).

 

Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, số vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố chiếm 3,2 - 5% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn quốc. Như vậy có thể thấy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố rất cao song thường ít được chú ý do tính tiện dụng và mức độ ngộ độc không quá nặng, phần lớn là rối loạn tiêu hóa. Thực trạng này rất khó có thể kiểm soát được một cách triệt để bởi việc thực hành chế biến, kinh doanh thực phẩm có bảo đảm hay không phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của cơ sở. Sự thiếu tự giác trong ý thức, trách nhiệm, việc làm ăn gian dối của một số chủ cơ sở kinh doanh cũng như sự dễ dãi với nguy cơ mất an toàn thực phẩm của người tiêu dùng đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Thêm nữa, do đặc thù mặt bằng kinh doanh chủ yếu là vỉa hè nên nguồn nước sạch, các điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn thực phẩm không đầy đủ. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở thức ăn đường phố thường hoạt động ngoài giờ hành chính, cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát triệt để.

Làm thế nào quản lý được chất lượng các đồ ăn, thức uống bày bán trên đường phố? Đây là câu hỏi làm đau đầu các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực an toàn thực phẩm bởi thức ăn đường phố bày bán ở mọi nơi, mọi lúc, thường thay đổi chủ kinh doanh nên các cơ quan chức năng khó kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ.

 Để kiểm soát tốt hơn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, công tác tuyên truyền, vận động người chế biến, kinh doanh thực phẩm tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm từ các khâu lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến và bày bán trên phố sao cho hợp vệ sinh cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cần thiết phải tập huấn, cập nhật định kỳ kiến thức và kỹ năng thực hành bảo đảm an toàn thực phẩm cho người kinh doanh và nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm đường phố. Người tiêu dùng cũng cần tỏ rõ quan điểm về việc lựa chọn cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm vệ sinh, bảo đảm an toàn để các cơ sở này nâng cao ý thức, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, kiên quyết “nói không” với những cơ sở ăn uống mất vệ sinh

Việt Hoa