0908.326.779 - 0906.362.707
 

An toàn, vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội: Vẫn nhiều nỗi lo

18/02/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
An toàn, vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội: Vẫn nhiều nỗi lo
Dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, song vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội vẫn là nỗi lo thường trực, khi Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm trong các buổi kiểm tra lễ hội đầu xuân mới đây. Mùa lễ hội mới chỉ bắt đầu, để kiểm soát được tình hình an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng
Kiểm tra là phát hiện vi phạm

Chỉ sau ít ngày khai hội, lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đã thu hút hàng chục vạn khách thập phương. Năm nay, tại đây có 55 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Văn Tráng, để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội xuân năm 2019, huyện Mỹ Đức đã thành lập 23 đoàn kiểm tra liên ngành. Qua kiểm tra, giám sát, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều có giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận hoặc bản cam kết cơ sở đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm…

Thế nhưng, ngày 14-2, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã kiểm tra 3 nhà hàng tại khu vực chùa Thiên Trù đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Cả 3/3 nhà hàng đều bày bán thực phẩm tươi sống lẫn với thực phẩm chín, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng. Bát ăn của 2/3 nhà hàng không đạt yêu cầu vệ sinh; 2/3 nhà hàng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. 

Đơn cử, nhà hàng Mai Lâm có cơ sở vật chất khá khang trang, các vật dụng, dụng cụ nấu bếp, bàn ghế, bát đĩa… đều sạch đẹp và mỗi ngày đón khoảng 1.000 khách. Bước chân vào nhà hàng, đập vào mắt thực khách là tấm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Phòng Y tế huyện Mỹ Đức cấp được lồng trong khung kính. 

Tuy nhiên, quy định tối thiểu về bảo quản thực phẩm lại chưa được nhà hàng chấp hành nghiêm túc… Ngay phía cửa ra vào, hơn 10 khay thịt đà điểu, thịt thỏ, thịt lợn tươi sống đặt “lộ thiên” ngay cạnh gà luộc, đậu rán, cá rán, khoai chiên… 

Gần đó, nhà hàng Doanh Hạnh, thực phẩm chín để trên mặt bàn mà không che đậy, còn chiếc tủ kính lại được dành để bảo quản... các gói mì tôm. Còn khu vực rửa bát, đĩa của nhà hàng rất nhếch nhác, tạm bợ. Khi đoàn kiểm tra xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát tại đây, thì có đến 9 bát bẩn. Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhà hàng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. 

Tại nhà hàng Năm Thành, khi thấy bóng dáng đoàn kiểm tra, nhân viên mới vội hò nhau tìm găng tay để lấy thức ăn. Ngoài việc chủ nhà hàng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm, đoàn kiểm tra còn phát hiện trong tủ đựng đá có chứa rất nhiều thực phẩm sống và số đá này được dùng phục vụ khách uống bia, trà… 

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội yêu cầu hủy bỏ toàn bộ những túi đá này để tránh nguy cơ ngộ độc và lưu ý hộ kinh doanh phải đeo găng tay hoặc kẹp gắp khi chia thức ăn…

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội cũng xử lý vi phạm 3/9 cơ sở kinh doanh ăn uống tại khu vực lễ hội đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) do chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến các quy định về an toàn thực phẩm. Riêng hộ kinh doanh ăn uống Nguyễn Thị Nga, qua kiểm tra không có tủ kính để bảo quản thực phẩm chín, xét nghiệm 10 mẫu bát có 2 bát bẩn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới chiều 15-2 tại phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ), những mâm bánh tôm rán, thịt quay, bánh đúc, bánh bột lọc… đều không được che đậy và đặt ngay cạnh lối đi bụi bẩn, tấp nập khách qua lại. Những người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền, rồi lại bốc thức ăn cho khách…

Xử lý nghiêm vi phạm

Dù trước thời điểm diễn ra lễ hội, chính quyền các địa phương đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, nhưng các biện pháp xử lý vẫn thiếu quyết liệt. Anh Trần Văn Doanh, chủ nhà hàng Doanh Hạnh (khu vực chùa Thiên Trù, lễ hội chùa Hương) cho biết, anh đã kinh doanh ăn uống tại đây được 4-5 năm. Nguồn thực phẩm của nhà hàng được một người quen cung cấp và chất lượng sản phẩm dựa vào sự tin tưởng giữa đôi bên. Năm nào nhà hàng cũng được các đoàn kiểm tra “hỏi thăm”, nhưng chỉ bị nhắc nhở chứ chưa bao giờ phải nộp phạt, dù lần nào cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.
 
Khu vực rửa bát tạm bợ của nhà hàng Năm Thành tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức).

Lần thứ 3 đến lễ hội chùa Hương, bà Nguyễn Thị Ngoan (63 tuổi ở quận 2, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, công tác tổ chức, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự tại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các quán hàng chưa khiến du khách yên tâm. Có những thứ dễ dàng nhìn thấy, như dụng cụ chế biến, bát đĩa rửa không sạch, thực phẩm không được che đậy, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm… Mong rằng, chính quyền địa phương nơi có lễ hội thực hiện tốt vai trò quản lý… 

Qua kiểm tra thực tế, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, lo ngại nhất là những cơ sở kinh doanh mang tính chất thời vụ tại các lễ hội. Do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn nước sinh hoạt và nguồn cung cấp thực phẩm cũng chưa thành hệ thống, nên khi kiểm tra còn nhiều vi phạm. 

Ông Trần Văn Chung yêu cầu chính quyền địa phương, ban tổ chức các lễ hội cần tăng cường kiểm tra, áp dụng những hình thức xử phạt đúng quy định, kiên quyết không để những cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm được phép tồn tại, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và du khách.
 
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong hơn 1 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố đã kiểm tra khoảng 11.000 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó xử lý vi phạm 1.624 cơ sở với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt, có 6 cơ sở bị đóng cửa, 14 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm và 73 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm
THU TRANG