0908.326.779 - 0906.362.707
 

95% hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành

25/12/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
95% hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành
Bộ Y tế đang dự kiến đơn giản hóa nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN).

Để rõ hơn về những đề xuất này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

PV: Xin bà cho biết đôi nét về kết quả trong việc đơn giản thủ tục KTCN, được Cục An toàn thực phẩm thực hiện trong thời gian qua?

- Bà Trần Việt Nga: Trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 52/2015/TT-BYT cho phép áp dụng nguyên tắc kiểm tra rủi ro, các biện pháp kiểm tra ở các cấp độ khác nhau (kiểm tra giảm, thông thường, chặt). Thông tư này quy định rõ thời gian kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu: 6 ngày làm việc đối với mặt hàng thuộc diện kiểm tra thông thường và 8 ngày làm việc đối với mặt hàng kiểm tra chặt… Nhờ áp dụng quản lý rủi ro và quy định thời gian cơ quan y tế phải giải quyết thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) đã rút ngắn thời gian làm thủ tục của DN xuống ít nhất 1,5 ngày đến hơn 5 ngày.

PV: Bộ Y tế đang đề xuất chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu, nhằm đơn giản tối đa thủ tục KTCN, vậy bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Bà Trần Việt Nga: Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, việc KTCN về an toàn thực phẩm do 3 ngành thực hiện (Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Công thương). Theo đó, 3 bộ ban hành thông tư quy định trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra nhà nước đối với các nhóm ngành hàng thuộc thẩm quyền quản lý và chỉ định các cơ quan thực hiện việc KTCN tại cửa khẩu.  

 

 
 
Bà Trần Việt Nga
Bà Trần Việt Nga
 

Riêng ngành Y tế chịu trách nhiệm KTCN đối với 4 nhóm ngành hàng (nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm). Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ đưa nội dung KTCN đối với thực phẩm thành 1 chương trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (38) về hướng dẫn thực thi một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Dự thảo mới đang được đề xuất và lấy ý kiến rộng rãi, có một số điểm cải tiến đáng kể.

Tại dự thảo nghị định mới, Bộ Y tế đề xuất thay đổi cơ bản về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu. Cụ thể, chúng tôi đề xuất quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do cơ quan hải quan chọn ngẫu nhiên và chuyển hồ sơ cho cơ quan kiểm tra nhà nước. Như vậy, có đến 95% lô hàng không thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: Sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm. Các trường hợp này được bổ sung để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước cũng như thống nhất với các quy định về quản lý chuyên ngành khác.

PV: Thưa bà, vấn đề về thủ tục công bố sản phẩm lâu nay thường rất phức tạp, gây khó khăn, gia tăng chi phí cho DN, vậy trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ có giải pháp nào tháo gỡ?

- Bà Trần Việt Nga: Hiện nay chúng tôi cũng đang đề xuất một số điểm cải tiến lớn trong công tác công bố sản phẩm trong góp ý tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 38.

Trước đây Nghị định số 38 quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (gọi chung là sản phẩm) phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Tại dự thảo nghị định mới đã quy định tất cả sản phẩm phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên chỉ có 3 nhóm sản phẩm (thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, phụ gia thực phẩm hỗn hợp, phụ gia thực phẩm có chức năng công nghệ mới chưa nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế) phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho UBND tại địa phương. 

Về tác động của việc cắt giảm các thủ tục về công bố đối với sản phẩm: Theo dự thảo nghị định mới, ước tính số sản phẩm tự công bố chiếm khoảng 90%, đồng nghĩa với việc số sản phẩm phải thực hiện đăng ký bản công bố và có giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông chỉ còn khoảng 10%.

PV: Xin cảm ơn bà!

 

Theo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thời gian cần thiết để thực hiện việc công bố sản phẩm: 5,4 triệu ngày công, chi phí: 675 tỷ đồng. Theo đó, với dự thảo nghị định mới, số ngày công và chi phí sẽ cắt giảm được 5.400.000 ngày công x 90% = 4.860.000 ngày công; chi phí: 675 tỷ đồng x 90% = 607,5 tỷ đồng. Tổng chi phí cắt giảm được liên quan đến thủ tục công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu là: thời gian tiết kiệm được: 4.860.000 + 2.894.650 = 7.754.650 ngày công; chi phí: 607,5 + 2.500 = 3.107,5 tỷ đồng.
Hải Linh (thực hiện)