0908.326.779 - 0906.362.707
 

35 năm thúc đẩy làm giàu đất nước bằng tài sản trí tuệ

18/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
35 năm thúc đẩy làm giàu đất nước bằng tài sản trí tuệ
Từ chỗ là vùng trắng trên bản đồ sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam đã dần ghi dấu trong lĩnh vực này với nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, bảo hộ sáng chế và tham gia mạnh mẽ vào sân chơi chung.
Được thành lập ngày 29/7/1982 với tên gọi đầu tiên là Cục Sáng chế trên cơ sở Phòng Quản lý sáng chế - phát minh thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), đến nay Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã trải qua 35 năm phát triển, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ chỗ là vùng trắng trên bản đồ SHTT thế giới, Việt Nam đã dần ghi dấu trong lĩnh vực này với nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, bảo hộ sáng chế và tham gia mạnh mẽ vào sân chơi chung.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, Cục Sáng chế đã xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 197/HĐBT/(1982)về điều lệ nhãn hiệu hàng hóa. Sau đó, nhiều cơ chế, chính sách về bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) quan trọng lần lượt được ban hành, trong đó có Nghị định 85/HĐBT/(1988) về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, Nghị định 200/HĐBT/(1988) về bảo hộ giải pháp hữu ích, Nghị định 201/HĐBT/(1988) về mua bán lixăng…
 
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (ngoài cùng bên phải) tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry (giữa). Ảnh: Loan Lê
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (ngoài cùng bên phải) tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry (giữa). Ảnh: Loan Lê
 
Trong thời kỳ đổi mới, hoạt động bảo hộ SHTT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp phát huy thế mạnh, tăng tính cạnh tranh. Sự ra đời của Pháp lệnh Bảo hộ quyền SHCN năm 1989 đã đánh dấu sự thay đổi căn bản của hệ thống bảo hộ quyền SHCN Việt Nam. Cũng từ đó, lượng đơn đề nghị bảo hộ quyền SHCN và lượng văn bằng được cấp tăng liên tục trong các năm.
 
Năm 1993, Cục Sáng chế đổi tên thành Cục SHCN. Đây cũng là năm Việt Nam tham gia Hiệp ước Hợp tác sáng chế. Đến năm 2003, Cục SHCN đổi tên thành SHTT với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy mở rộng hơn, từ 12 đơn vị phát triển thành 21 đơn vị, gồm 2 khối: Quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp. Cùng với việc phát triển tổ chức, Cục tiếp tục công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT. Năm 2005, Luật SHTT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của hoạt động SHTT.
 
Từ ngày đầu thành lập đến nay, dù luôn đối mặt với vô số khó khăn cả về nguồn nhân lực và trang thiết bị, công tác tiếp nhận và xử lý đơn được cục duy trì ổn định. Lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHCN năm sau luôn cao hơn năm trước, dù tồn đọng đơn vẫn đang là vấn đề, sự gia tăng đáng kể số đơn được xử lý là một sự thật không khó nhận ra. Chỉ riêng trong năm 2016, số đơn được xử lý tăng 9,9%, kết quả xử lý đơn đăng ký bảo hộ sáng chế tăng 23% so với năm trước.
 
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khuyến khích đầu tư về SHTT, tìm kiếm, khai thác sáng chế phát triển công nghệ, Chính phủ đã ban hành đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Xác định SHTT là nền tảng của đổi mới sáng tạo và phát triển, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống SHTT trong nước. Từ đó, việc hiện đại hóa quản trị đơn SHCN, thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các viện, trường, nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT cũng được thúc đẩy.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu, công tác SHTT có thể tạo bước phát triển mang tính bứt phá so với các lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN. Với sự giúp đỡ của WIPO, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chiến lược SHTT quốc gia để xác định phương hướng, kế hoạch phát triển hệ thống SHTT Việt Nam trong giai đoạn tới. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của SHTT đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia trong thế kỷ 21
Lâm Bình